Thái độ của người Mỹ về súng đạn sau vụ thảm sát rạp chiếu phim

Cả nước Mỹ bàng hoàng và bị sốc trước vụ nghiên cứu sinh 24 tuổi James E. Holmes ngày 20/7 lạnh lùng xả súng bừa bãi vào một rạp chiếu phim ở thành phố Aurora, bang Colorado, làm 71 người thương vong, trong đó có ít nhất 14 người bị thiệt mạng.


Ảnh minh họa, nguồn Internet


Sau vụ thảm sát làm nhiều người thương vong nhất này trong lịch sử, người dân Mỹ có những phản ứng rất khác nhau, thậm chí trái chiều. Những người ủng hộ siết chặt buôn bán súng đã lên tiếng hối thúc giới chức chính quyền có ngay các biện pháp để ngăn chặn các vụ thảm họa tương tự, nhưng không ít người dân, với lập luận tự lo bảo vệ sinh mạng, đã đua nhau đi mua súng để tàng trữ trong nhà và trong người, khiến cho các cửa hàng bán súng đắt như tôm tươi.


Ngày 24/7, được sự hậu thuẫn của 11 người sống sót trong vụ xả súng tháng 1/2011 tại thành phố Tucson, bang Arizona làm 6 người thiệt mạng và làm nữ Hạ nghị sỹ Gabrielle Giffords bị thương, Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg cùng nhóm các Thống đốc chống vũ khí bất hợp pháp đã đăng quảng cáo đầy trang nổi bật trên tờ “USA Today” kêu gọi Tổng thống Barack Obama và đối thủ đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney sớm đưa ra các kế hoạch rõ ràng để kiểm soát việc buôn bán vũ khí, nếu không trong 4 năm cầm quyền của tổng thống mới của Mỹ sẽ có thêm 48.000 người bị chết oan trong các vụ bạo lực súng đạn.


Trái lại, Sở điều tra bang Colorado ngày 25/7 công bố các số liệu cho biết tốc độ tiêu thụ súng đạn tại bang này sau vụ thảm họa ngày 20/7 đã tăng vọt. Chỉ riêng trong ba ngày cuối tuần qua, trên toàn bang Colorado đã duyệt danh sách và đồng ý cho phép 2.887 người mua súng, tăng 43% so với 2.012 trường hợp được chấp thuận cũng trong ba ngày cuối tuần trước nữa, trong đó không loại trừ khả năng có người mua vài ba khẩu súng. Giới hữu trách không giải thích lý do vì sao có nhiều người đua nhau đi mua súng đạn. Tuy nhiên, một số khách hàng cho biết họ phải mua súng là để tự vệ, thậm chí trong lòng không muốn có thứ hàng hóa chết người này ở trong nhà.


Trong 20 năm qua, ở Mỹ đã có một phong trào rộng lớn ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ súng đạn, nhưng xem ra đã bị thất bại vì vẫn có tới 3/4 người dân Mỹ vẫn muốn bảo vệ quyền tự do đặc biệt này. Không chỉ dừng ở đó, một số bang ở Mỹ thậm chí đã nới lỏng luật lệ về súng đạn để cho phép người dân mang súng kè kè bên người mọi lúc mọi nơi. Tại các bang như Tennessee và Virginia, người dân thậm chí còn được quyền mang súng cả vào trong các quán rượu đề phòng trường hợp bị trấn lột hoặc bị tấn công. Theo thống kê, hiện tại mỗi năm trên toàn nước Mỹ có khoảng hơn 30.000 người bị thương vong do súng đạn, trong đó không ít người bị chính anh chị em trong nhà bắn chết.


Thương vong tăng do súng đạn còn vì một nguyên nhân là các kênh truyền hình ở Mỹ ngày nào cũng ra rả chiếu các bộ phim hành động và bạo lực. Thống kê năm 2007 của một tổ chức chuyên theo dõi về các loại súng đạn nhỏ của thế giới cho biết công dân Mỹ sở hữu 270 triệu trong tổng số 875 triệu khẩu súng nhỏ có đăng ký của toàn thế giới.


Trong tổng số 8 triệu khẩu súng mới được chế tạo hàng năm trên toàn thế giới, người Mỹ tiêu thụ hơn một nửa, khoảng 4,5 triệu khẩu. Khoảng 1/5 thanh niên Mỹ sở hữu một khẩu súng trong khi 1/3 người Mỹ trên 50 tuổi có thứ hàng hóa chết người này trong nhà. Người Mỹ thuộc đảng Cộng hòa sở hữu súng đạn gấp đôi người Mỹ thuộc đảng Dân chủ.



Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)

Nhức nhối 'văn hóa súng đạn'
Nhức nhối 'văn hóa súng đạn'

Một cử nhân vốn có thành tích học tập và đạo đức tốt bất ngờ xả súng giết chết 12 người và làm 58 người khác bị thương. Một màn tắm máu có kịch bản từ phim truyện, nhưng không thể phủ nhận, chính nền “văn hóa súng đạn” Mỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành động bạo lực khủng khiếp này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN