Từ vụ thảm sát ở rạp phim Mỹ:

Nhức nhối 'văn hóa súng đạn'

Một cử nhân vốn có thành tích học tập và đạo đức tốt bất ngờ xả súng giết chết 12 người và làm 58 người khác bị thương. Một màn tắm máu có kịch bản từ phim truyện, nhưng không thể phủ nhận chính nền “văn hóa súng đạn” Mỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành động bạo lực khủng khiếp này.


Không phải đến vụ thảm sát “phòng chiếu Batman” ở Aurora, Denver (bang Colorado) hôm 20/7, nước Mỹ mới rùng mình trước nỗi kinh hoàng súng ống. Những hồi chuông cảnh tỉnh đã được gióng lên từ rất lâu, đặc biệt là từ vụ thảm sát tại trường trung học Columbine (bang Colorado) ngày 20/8/1999, khi hai học sinh tuổi thiếu niên bắn chết 1 giáo viên, 12 học sinh và làm 24 người khác bị thương trước khi tự sát. Gần đây hơn là vụ thảm sát trường học gây nhiều thương vong nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tại trường Đại học Virginia Tech (bang Virginia) ngày 16/4/2007, khi sát thủ gốc Hàn Seung-hui Cho bắn chết 32 người.


Thị trưởng New York, Michael Bloomberg vừa phát động một chiến dịch phản đối súng. Trong ảnh: Chiếc xe sơn dòng chữ: “34 người Mỹ bị giết vì súng mỗi ngày”. Ảnh: Internet


Cả ba vụ thảm sát nghiêm trọng nói trên, cũng như vô vàn vụ nổ súng diễn ra hàng ngày tại Mỹ, đều có chung một điểm là hung thủ đã dễ dàng sở hữu súng đạn, thậm chí với số lượng lớn (ngay cả với trường hợp đã có tiền sử tâm thần như Seung-hui Cho). Trong vụ xả súng tại Aurora, chỉ trong hai tháng qua, sát thủ James Eagan Holmes đã mua tới 6.000 viên đạn qua Internet, và khi bị bắt, ngoài khẩu súng nhả đạn, trong người tên này còn trang bị 3 khẩu khác với hơn 100 viên đạn.


“Bình đẳng” nhờ súng!


Người ta nói, nước Mỹ tự do nhưng nước Mỹ không bình đẳng, nên mới có câu: “God made man, Mr. Colt made them equal” (Thượng đế tạo ra con người, còn ông Colt khiến họ bình đẳng”. (Samuel Colt – “cha đẻ” của súng lục ổ quay). Người Mỹ cũng tự nhận xét rằng: “Dân Mỹ rất lịch sự, ít khi nào làm ai nổi giận. Lúc nào họ cũng sẵn sàng nói “xin lỗi” ngay cả khi không phải lỗi của mình. Vì họ nghĩ, biết đâu người đối diện có súng!”.


Thống kê cho thấy, toàn nước Mỹ có hơn 270 triệu khẩu súng được lưu hành (chưa kể số súng bất hợp pháp), trung bình 10 người sở hữu 9 khẩu súng, bất chấp mỗi năm có 30.000 người Mỹ - gần gấp 10 lần số lính Mỹ thiệt mạng tại Irắc – chết do dùng súng bắn nhau hay tự bắn vào mình.


Người Mỹ coi súng là cách giải quyết phổ biến cho các xung đột, bế tắc, thậm chí cho những lý do hết sức “lãng nhách”, vì vậy tỉ lệ giết người bằng súng ở nước này cao hơn rất nhiều so với tất cả các quốc gia phát triển khác. Theo thống kê năm 2009, nước Mỹ ghi nhận tỉ lệ 3 vụ giết người có chủ ý bằng súng/100.000 dân, trong khi tỉ lệ này tại Anh là 0,07 vụ/100.000 dân - thấp hơn khoảng 40 lần, còn tại Đức là 0,2 vụ/100.000 dân.


Charlton Heston, cựu Chủ tịch Hiệp hội súng Hoa Kỳ, tại một hội nghị của NRA tại Denver.Ảnh: Internet


“Văn hóa súng đạn” đã được hình thành cùng với chính nước Mỹ. Do đặc điểm thời kỳ đầu dựng nước, người dân Mỹ phải đấu tranh khốc liệt để sinh tồn, nên các nhà lập quốc đã coi việc được dùng súng là quyền cơ bản của con người, chỉ đứng sau quyền tự do tôn giáo, ngôn luận và hội họp. Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ, được phê chuẩn cùng với 9 tu chính án khác trong Tuyên ngôn Nhân quyền vào năm 1791, ghi rõ: “Một lực lượng dân vệ được tổ chức tốt là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, do đó quyền của người dân được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị xâm phạm”.


Dựa trên quyền được quy định trong hiến pháp, ngày nay nước Mỹ đã đề ra hàng chục nghìn điều luật về súng. Hệ thống luật này vô cùng phức tạp và rất khác nhau ở các bang, nhưng có thể nói, không ở nơi nào người dân có thể sở hữu súng một cách dễ dàng như tại Mỹ. Trong đó, bang Colorado, nơi vừa xảy ra vụ thảm sát “phòng chiếu Batman”, thuộc loại kiểm soát súng lỏng lẻo nhất. Năm 2011, bang này chỉ đạt 15 điểm trong thang điểm 100 dành cho kiểm soát súng theo chương trình chống bạo lực súng ống “Brady Campaign”, do luật của bang quy định: Không cấm vũ khí tấn công; Không cấm vũ khí nạp đạn sức chứa lớn; Không đăng ký; Không cấp giấy phép sở hữu súng; Không kiểm tra tiền sử trong buôn bán súng qua mạng và các giao dịch từ người này sang người khác; Không giới hạn số lượng súng lục có thể mua trong một lần.


Chính việc sở hữu súng dễ dàng như vậy đã tạo điều kiện hình thành nên một nền “văn hóa súng đạn” tại Mỹ. “Văn hóa súng đạn” lại có một môi trường tốt để phát triển tại Mỹ, khi nó được cổ súy bởi một bộ phận không nhỏ người Mỹ bất mãn, có vấn đề tâm lý trong cuộc sống hiện đại nhưng không được xã hội quan tâm đúng mức và dễ dàng chọn súng ống để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, nó còn được “nuôi dưỡng” trong một môi trường phim ảnh, trò chơi điện tử… đầy rẫy những cảnh bắn giết, đâm chém, thanh toán lẫn nhau.


Cuộc chiến bất khả thi


Cuộc tranh cãi xung quanh “văn hóa súng đạn” Mỹ diễn ra dai dẳng, với lợi thế luôn thuộc về phe ủng hộ. Có thể nói cuộc chiến chống lại súng ống tại Mỹ là bất khả thi bởi nhiều lý do:


Thứ nhất, đa số người Mỹ và chính trị gia Mỹ ủng hộ việc sở hữu súng đạn. Tại đất nước này còn tồn tại khái niệm “gun politics” (chính trị súng ống). Không có ứng cử viên nào dám công khai chống sở hữu, buôn bán súng nếu không muốn chuốc lấy thất bại trên chính trường.


Thứ hai, Hiệp hội súng quốc gia của Mỹ (NRA) với khoảng 4,3 triệu hội viên, đứng sau là các nhà sản xuất và buôn bán vũ khí, là một tổ chức có quyền lực “đen” kinh khủng. NRA do các cựu chiến binh của cuộc Nội chiến Mỹ thành lập từ năm 1871 với sứ mạng bảo vệ Tu chính án thứ hai. Họ có đủ tài chính và thực lực vận động hành lang (lobby) để triệt hạ bất cứ một dự luật hoặc nỗ lực nào làm tổn hại đến lợi ích của ngành công nghiệp súng ống khét tiếng của nước Mỹ. Trên thực tế, hoạt động lobby của phe ủng hộ súng quá áp đảo so với phe phản đối. Chẳng hạn năm 2007, phe ủng hộ súng đạn đã chi gần 2 triệu USD cho vận động hành lang trong khi phe đối phương chỉ chi 60.800 USD.


Sát thủ James Holmes (trái) hoang tưởng hắn là Joker (phải)– nhân vật phản diện trong loạt phim về Người dơi


Thứ ba, muốn chống súng hữu hiệu, nhất thiết phải bãi bỏ Tu chính án thứ hai trong Hiến pháp. Nhưng đây là nhiệm vụ gần như không thể. Bởi lẽ theo Điều 5 của Hiến pháp Mỹ, phải có ít nhất 2/3 số thành viên của Hạ viện và Thượng viện xét thấy cần thiết, hoặc theo yêu cầu của cơ quan lập pháp ở 2/3 các bang, thì quốc hội mới được triệu tập để đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Sau đó dự luật sửa đổi còn phải được cơ quan lập pháp của 3/4 các bang, hoặc Đại hội của 3/4 các bang phê chuẩn theo một thể thức rối rắm do quốc hội đề nghị.


Các nhà lập quốc Mỹ đã đưa ra những thủ tục quá khó khăn như vậy nhằm bảo vệ sự trường tồn của Hiến pháp. Và thực tế cho thấy, trong hơn 200 năm tồn tại của Hiến pháp Hoa Kỳ, đã có hơn 9.000 điều bổ sung Hiến pháp được đệ trình, nhưng mới chỉ có 33 điều được đưa ra xem xét và chỉ có 27 điều được phê chuẩn. Riêng Tu chính án thứ 27 (chỉ quy định một việc rất nhỏ là cấm thay đổi lương của nghị sĩ quốc hội giữa nhiệm kỳ) chỉ được phê chuẩn sau 202 năm kể từ khi được đề xuất (năm 1789)!


Năm 1981, sau khi Tổng thống Ronald Reagan bị bắn trọng thương (và trước đó là vụ ám sát danh ca John Lennon), những người chống súng đã nỗ lực vận động đưa ra một dự luật ngăn chặn bớt súng đạn với những hạn chế như: Cấm bán cho dân một số loại vũ khí tấn công của quân đội, quy định người mua súng phải đợi 5 ngày, đặt ra một số lệ phí và giấy phép sử dụng súng… Mặc dù chỉ là dự luật mang tính giảm bớt một phần ảnh hưởng nhỏ của súng ống, dự luật này cũng bị “ngâm” rất nhiều năm. Mãi đến năm 1994 mới được quốc hội thông qua sau khi hai phe chống và ủng hộ đạt được một thỏa hiệp cho đạo luật có giá trị chỉ trong 10 năm.


Năm 1998, điều khoản “đợi 5 ngày” cũng bị bãi bỏ do những cuộc vận động hành lang quyết liệt của giới ủng hộ súng. Đến năm 2004, mặc dù hứa hẹn từ trước rằng sẽ xin gia hạn đạo luật trên, nhưng Tổng thống George Bush đã phớt lờ luôn để cho đạo luật tự động chấm dứt hiệu lực. Kể từ đó, tất cả những nỗ lực nhằm khôi phục đạo luật hạn chế súng này đều thất bại.


Hơn 200 năm qua, hầu như ngày nào nước Mỹ cũng xảy ra những cái chết do súng ống. Cứ mỗi lần có sự cố súng đạn dẫn đến những thảm kịch gây chấn động, trên chính trường và trong dân chúng Mỹ lại diễn ra những cuộc tranh cãi. Nhưng tiếng nói của những người chống súng vẫn quá nhỏ bé so với phe ủng hộ súng. Sau vụ thảm sát “phòng chiếu Batman” vừa qua, chính phủ của Tổng thống Barack Obama cũng đã nhanh chóng bác bỏ những lời kêu gọi thay đổi luật kiểm soát súng. Phát ngôn viên của ông Obama, Jay Carney nói: “Tổng thống tin rằng, chúng ta cần có biện pháp nâng cao nhận thức chung để bảo vệ quyền hợp hiến của công dân Mỹ được giữ và mang vũ khí”.


Có thể thấy, “văn hóa súng đạn” trở thành một phần lớn của “văn hóa bạo lực” Mỹ nói chung, mà hậu quả của nó thì ai cũng đã nhìn thấy rõ, nhưng để ngăn chặn thì còn quá xa vời.



Thu Hằng

Vụ xả súng đẫm máu- Hệ lụy đen tối của một nền điện ảnh bạo lực?
Vụ xả súng đẫm máu- Hệ lụy đen tối của một nền điện ảnh bạo lực?

Kẻ sát nhân của vụ xả súng đẫm máu khi bị bắt đã tự xưng mình là "Joker"- nhân vật phản diện tàn ác của loạt phim Batman nổi tiếng. "Joker" đã bước ra từ màn ảnh. Và đây là máu thật. Là cú sốc thật sự với điện ảnh Mỹ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN