Trả lời Ủy ban về Công nghiệp, Thương mại và Môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng phụ trách vấn đề môi trường thuộc Văn phòng Phó Tổng thống, ông Luhaga Mpina cho biết các túi nilon sẽ không được phép sử dụng tại nước này từ ngày 1/1 tới. Quan chức này đã trình lên một dự thảo quy định, theo đó nêu rõ không cho phép dùng túi nilon trong các dịch vụ y tế, đóng gói công nghiệp, ngành xây dựng, nông nghiệp, vệ sinh và quản lý rác thải.
Theo ông Mpina, nhà chức trách sẽ cho các nhà sản xuất túi nilon thời hạn đến 2 năm để đóng cửa các cơ sở, sa thải lao động hoặc thay đổi công nghệ sản xuất. Các cơ sở đã được đặt hàng trước khi có lệnh cấm chính thức trên và còn nguyên liệu thô để sản xuất túi nilon sẽ được phép sản xuất với điều kiện sản phẩm làm ra chỉ để xuất khẩu.
Ông Mpina nhấn mạnh các túi nilon gây ô nhiễm nghiêm trọng. Riêng tại Dar es Salaam, chính quyền đã chi tới 5 triệu USD/năm để sửa chữa hệ thống cấp nước do bị các túi nilon làm tắc nghẽn. Từ năm 2006, Chính phủ Tanzania đã nỗ lực đặt ra quy định nhằm giải quyết vấn đề này bằng cách cấm sử dụng loại túi nilon có độ dày dưới 30 micromet. Năm 2015, lệnh cấm này đã được mở rộng với loại túi có độ dày dưới 50 micromet.
Trong khi đó, các nghị sĩ quốc hội nước này bày tỏ lo ngại về khả năng thực thi lệnh cấm nhập khẩu trái phép túi nilon. Chủ tịch Hiệp hội sản xuất nhựa của Tanzania Mushtak Walij nói rằng các nhà sản xuất không gặp khó khăn khi áp dụng công nghệ sản xuất túi phân hủy sinh học, nhưng việc nhập khẩu các chất phụ gia để làm ra các túi phân hủy sinh học sẽ gia tăng chi phí sản xuất thêm khoảng 20-25%.