Theo các nhà nghiên cứu, trong lần gần đây nhất các nhà khoa học đặt chân lên đảo Cochon, một hòn đảo xa xôi của Pháp nằm giữa châu Phi và Nam Cực, ước tính có khoảng 2 triệu con chim cánh cụt vua sinh sống ở trên hòn đảo này. Tuy nhiên, những hình ảnh vệ tinh cũng như ảnh chụp từ máy bay trực thăng gần đây cho thấy hiện chỉ còn khoảng 200 nghìn con.
Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà sinh thái học Henri Weimerskirch, người đã bắt đầu nghiên cứu về đàn chim cánh cụt vua ở đảo Cochon từ năm 1982, nói: “Điều này là hoàn toàn bất ngờ và đặc biệt quan trọng vì đàn chim này chiếm đến gần một phần ba số chim cánh cụt vua trên thế giới”.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến số lượng chim cánh cụt vua ở đảo Cochon suy giảm. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm trên. Hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino diễn ra theo chu kỳ từ 2-7 năm, cộng với hiện tượng ấm lên của Trái Đất có thể làm cho nước biển ở Nam Ấn Độ Dương ấm lên, đẩy cá và mực ống, loại thức ăn chính của chim cánh cụt vua, ra khỏi tầm săn bắt của loài chim này. Bên cạnh đó, mật độ quá đông loài này cũng có thể là một lý do.
Trong tuyên bố của mình, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, đơn vị tài trợ cho nghiên cứu trên, nói: “Quần thể càng lớn, sự cạnh tranh giữa các cá thể càng khốc liệt. Những hậu quả của việc thiếu thức ăn nhờ đó được cộng hưởng và có thể gây ra một sự suy giảm nhanh chóng và mạnh mẽ chưa từng có về số lượng”.
Ngoài ra, dịch tả trên chim và sự xâm nhập của một số loài như chuột, mèo cũng có thể là nguyên nhân góp phần làm cho số lượng chim cánh cụt vua trên đảo Cochon suy giảm.
Chim cánh cụt vua là loài chim cánh cụt lớn thứ hai, sau chim cánh cụt hoàng đế, với chiều cao khi trưởng thành là khoảng một mét. Đây là loài chim không di cư và đang được xếp ở diện “ít lo ngại nhất” trong Sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, với kết quả nghiên cứu trên, có thể phải xem xét lại mức độ nguy cơ đối với loài chim này.