Sau khi được Thượng viện Anh phê chuẩn với tỷ lệ phiếu thuận 280 trên 48 phiếu chống vào cuối tháng 2, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép sinh con theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ tế bào của ba người. Theo đó, em bé có “ba bố mẹ” đầu tiên sẽ chào đời sớm nhất vào năm 2016.Tại buổi họp hôm 24/2, Bộ trưởng Y tế Anh Earl Howe đã phát biểu rằng thật “độc ác và bảo thủ” khi gạt bỏ đi cơ hội để các ông bố bà mẹ có được những đứa con thực sự khỏe mạnh. Còn ông Alastair Kent – giám đốc quỹ từ thiện chuyên hỗ trợ các trường hợp mắc bệnh di truyền tại Anh – đã ca ngợi quyết định của hội đồng Thượng viện Anh như một “thắng lợi mang đến niềm hy vọng cho các gia đình”.
Đứa trẻ sẽ được sinh ra từ ADN của người bố, người mẹ mắc bệnh (chiếm 99,9% gien) và một phụ nữ hiến tặng (chiếm 0,1% gien). Giới nghiên cứu đã nhìn nhận kỹ thuật thay thế các ty thể không khỏe mạnh này như một biện pháp “cứu cánh” nhằm ngăn chặn những căn bệnh nguy hiểm di truyền từ mẹ sang trẻ thông qua các ty thể ADN bị lỗi.
Thế giới sẽ đón em bé đầu tiên được sinh từ ADN của 3 người vào năm 2016. |
Ty thể là những ngăn nhỏ tí hon nằm bên trong hầu hết mọi tế bào của cơ thể, có nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Theo thống kê, cứ 6.000 trẻ sơ sinh chào đời trên thế giới lại có 1 trường hợp bị ảnh hưởng bởi các ty thể lỗi. Khiếm khuyết về gien khiến bào thai trong bụng mẹ phát triển với phần nội tạng bị tổn thương và đứa trẻ khi ra đời sẽ mắc chứng động kinh, bệnh tim mạch và chứng loạn dưỡng cơ bắp, thậm chí là không thể sống sót quá 48 giờ đầu đời.
Có hai phương thức kết hợp ADN của ba người. Thứ nhất là “thay thế phôi thai”: cùng lúc thụ tinh trùng của cha cho trứng của mẹ và người hiến tặng, sau đó di chuyển nhân trứng của mẹ sang phôi thai của người hiến tặng (đã loại bỏ nhân trứng). Sau đó cấy phôi thai khỏe mạnh này vào tử cung của người mẹ.
Hoặc đơn giản hơn với cách “thay thế trứng”: tách nhân trứng của mẹ khỏi tế bào mang ty thể lỗi rồi cấy sang tế bào (đã loại bỏ nhân trứng) của người hiến tặng rồi sau đó thụ tinh. Những đứa trẻ sinh ra từ ADN của ba người hầu như không có khả năng mang đặc điểm về ngoại hình và tính cách của người phụ nữ thứ hai. Bởi lẽ các ty thể ADN chỉ chứa 37 mã gien, có chức năng khác biệt với hơn 23.000 gien quyết định tính cách của con người.
Kỹ thuật sinh con mới này đã được các nhà khoa học tại Đại học Newcastle nghiên cứu trong nhiều năm qua và họ cũng sẽ là người tiên phong đưa nó vào thực tế.
Trong khi đó, việc sinh con từ “ba bố mẹ” cũng gặp phải nhiều lời chỉ trích và bị cảnh báo như một “cú trược dốc không phanh” của tình trạng ưu sinh khi trẻ em được chào đời dựa trên lựa chọn của bố mẹ. Khoảng 50 thành viên của Nghị viện châu Âu đã viết thư cho Thủ tướng Anh David Cameron để phản đối phương pháp này với lời cáo buộc vi phạm luật pháp của Liên minh châu Âu cũng như “phẩm giá của con người”.
Ngoài ra, người ta cũng đặt ra các tình huống như liệu rằng đứa trẻ và người phụ nữ hiến tặng ADN có được phép gặp gỡ sau này hay không… Do việc can thiệp vào ADN của con người có thể gây rủi ro khó lường và vi phạm các chuẩn mực xã hội nên hoạt động này cần phải được giám sát chặt chẽ.
Hoàng Trang (tổng hợp)