Kể từ khi trẻ sơ sinh đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cất tiếng khóc chào đời cách đây 34 năm tại Anh, đến nay trên thế giới đã có khoảng 5 triệu người được sinh ra bằng phương pháp khoa học này.
Theo số liệu công bố ngày 1/7 tại Hội nghị thường niên của Viện Sinh sản và phôi học châu Âu (ESHRE) diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi năm có khoảng 350.000 trẻ sơ sinh được thụ tinh trong ống nghiệm ra đời, chiếm 0,3% trong số 130 triệu trẻ được sinh ra mỗi năm trên toàn cầu. Theo ông David Adamson, Chủ tịch Ủy ban Giám sát công nghệ hỗ trợ sinh sản quốc tế (ICMART), phương pháp thụ tinh nhân tạo này đã mang lại niềm vui cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn.
Thế giới có hàng triệu trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: Internet |
Cũng theo thống kê, hiện mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 triệu ca thụ tinh trong ống nghiệm và hơn 30% số trường hợp được thực hiện tại châu Âu. Tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh nhân tạo này khá ổn định - khoảng 30% phôi sau khi được cấy vào tử cung người mẹ phát triển thành bào thai. Theo ESHRE, xu hướng hiện nay tại châu Âu là giảm số lượng phôi cấy vào tử cung trong mỗi lần thụ tinh nhân tạo để giảm các nguy cơ thai nghén cho bà mẹ và tăng trọng lượng của mỗi trẻ sơ sinh khi chào đời.
Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp thụ tinh theo đó trứng được thụ tinh bằng tinh trùng ở bên ngoài cơ thể người mẹ - trong ống nghiệm. Đây là một phương pháp được áp dụng sau khi các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã thất bại, được áp dụng cho những cặp vợ chồng hay những người phụ nữ đang ở độ tuổi sinh sản, vì bất kỳ lý do gì đó, tinh trùng không thể thụ tinh cho trứng bằng phương pháp tự nhiên.
Sự rụng trứng được điều khiển bởi hormone và trứng đã thụ tinh sẽ được đưa vào tử cung. Người được thụ tinh được tiêm thuốc gonadotrophin để kích thích trứng lớn. Việc này được thực hiện dưới sự kiểm soát chặt chẽ về y tế, sử dụng lượng hormone vừa đủ, sau đó sẽ bác sĩ siêu âm để phát hiện những trứng lớn. Khi trứng lớn, chúng sẽ được hút ra khi đã chín nhưng chưa tự phóng.
Hormone gondotropins, loại hóc môn gây tắt kinh nguyệt của người được dùng để kích thích rụng trứng. 36 giờ sau, bào tương (chứa tế bào trứng) sẽ được lấy ra bằng đường âm đạo (bằng kim và siêu âm). Các trứng trong bào tương sẽ được thụ tinh với tinh trùng đã lấy từ trước, và sau đó đưa lại vào tử cung người phụ nữ và phát triển thành bào thai.
Louise Brown là đứa bé đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm vào ngày 25/7/1978 tại Anh. Robert G. Edwards, nhà y sinh học người Anh phát triển thành công phương pháp này, đã được trao Giải Nobel Y học năm 2010.
TTXVN/ Tin Tức