Chất lượng cuộc sống tốt, minh bạch trong quản lý... là vài trong số nhiều lý do giúp Singapore "hút" người nước ngoài. Ảnh: Vũ Anh
|
Đó chính là nhận định được đưa ra trong kết quả khảo sát thường niên mới nhất của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist của Anh.
Theo đó, mặc dù lần thứ tư liên tiếp Singapore giữ ngôi vị quán quân trong bảng xếp hạng các thành phố đắt đỏ nhất thế giới, trên cả Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Thụy Sỹ, song Singapore vẫn là thành phố khá hấp dẫn đối với người nước ngoài đến từ bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Chất lượng cuộc sống tại Đảo quốc Sư tử luôn được duy trì ở mức cao trên toàn cầu cũng như giáo dục đào tạo, tính kết nối quốc tế, sự chuyên nghiệp cũng như môi trường chính trị ổn định là những yếu tố khiến Singapore được coi là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm các cơ hội tại châu Á.
Hơn nữa, tính minh bạch trong quản trị và dễ làm ăn, kết hợp với những nỗ lực của chính phủ để tạo ra một môi trường tích cực cho quá trình khởi nghiệp và đổi mới cũng biến Singapore trở thành một trung tâm kinh doanh hấp dẫn đối với bất kỳ ai mong muốn phát triển sự nghiệp.
Khảo sát của EIU đã chỉ ra rằng chi phí để sở hữu xe ô tô cá nhân tại Singapore là đắt nhất cũng như đây là địa điểm mua sắm đắt thứ hai trên thế giới. Trong khi đó, chi phí ăn uống tại Singapore thì “ngang ngửa" với Thượng Hải (Trung Quốc).
Tuy nhiên, các chuyên gia về nguồn nhân lực cho hay chi phí sinh hoạt chỉ là một trong nhiều yếu tố khi một người cân nhắc đưa ra quyết định về thành phố nơi mình sẽ làm việc. Điều này cũng chứng minh một thực tế gần đây cho thấy ngày càng gia tăng sự dịch chuyển từ châu Âu cũng như một số quốc gia châu Á khác sang Singapore với việc nhìn nhận đây là một nơi lý tưởng cho việc phát triển các lĩnh vực như FinTech (sự giao thoa giữa dịch vụ tài chính và công nghệ) hay nghiên cứu và phát triển (R&D)...
Cuộc khảo sát của EIU được tiến hành trên cơ sở so sánh chi phí sinh hoạt, quy đổi sang đồng USD, của 160 sản phẩm và dịch vụ giữa 133 thành phố trên toàn thế giới và sử dụng New York (Mỹ) là một thành phố để tính toán; trong đó bao gồm các chi phí từ thực phẩm đến quần áo, vận chuyển và các dịch vụ tiện ích, chi phí thuê nhà, vận tải, chăm sóc cá nhân, giải trí...
Theo nhận định của các chuyên gia từ EIU, giá cả hàng hóa dự kiến phục hồi trong năm nay sau năm năm suy giảm sẽ có tác động đáng kể đến mặt bằng giá cả nói chung, đặc biệt là ở những thị trường mà hàng hóa cơ bản (lương thực, thực phẩm, dịch vụ) chiếm phần lớn "giỏ mua hàng".