Một nhà máy lọc dầu ở Houston phải ngừng hoạt động sau bão Harvey. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Houston là nơi sản xuất nhựa được sử dụng trong mọi thứ từ xe thể thao đến bình dùng cho trẻ em và nằm ở vùng ven biển, nơi chiếm gần 1/3 công suất lọc dầu của Mỹ. Là thành phố lớn thứ tư của Mỹ, với 2,3 triệu dân, Houston là nơi đặt trụ sở của 20 công ty trong danh sách 500 công ty lớn nhất Mỹ (Fortune 500). Nếu là một quốc gia độc lập, Houston sẽ là nền kinh tế lớn thứ 23 trên thế giới, xếp ngay sau Thụy Điển và ngay trước Ba Lan.
Theo nhà kinh tế Patrick Jankowski ở Greater Houston Partnership, mọi hoạt động, từ sản xuất đến kinh doanh và vận chuyển đều bị ngưng trệ ở thành phố có nền kinh tế quy mô 500 tỷ USD này, tất cả chỉ tập trung vào công tác cứu trợ.
Trong khi đó, IHS Markit cho rằng khu đô thị Houston là đầu máy quan trọng của nền kinh tế Mỹ, với cảng tại đây nhộn nhịp thứ hai ở Mỹ và hai sân bay đón lượng hành khách là 26 triệu lượt mỗi năm.
Các dự báo vẫn chưa thể đưa ra chính xác mức độ thiệt hại về kinh tế, phạm vi ảnh hưởng mà cơn bão gây ra cho Houston và ảnh hưởng của bão sẽ kéo dài đến khi nào. Lượng mưa trên 50 inch đã gây ngập lụt ở thành phố này khiến khắp nơi chìm trong nước và hoạt động sản xuất bị đình trệ. Giao thông tê liệt, người dân bị mắc kẹt trong nhà hoặc lều tạm, cảng Houston bị đóng cửa và các chuyến bay tại sân bay quốc tế George Bush vẫn bị hạn chế.
Hãng dự báo Macroeconomic Advisers tính toán thiệt hại kinh tế do cơn bão có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý III giảm 0,3-1,2 điểm phần trăm. Trước cơn bão, nền kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng khoảng 3% trong quý này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những thiệt hại về kinh tế do cơn bão Harvey gây ra có thể được hạn chế khi công tác khắc phục hậu quả của cơn bão ở Houston được bắt đầu. Một số lĩnh vực kinh tế của khu vực có thể ít chịu thiệt hại hơn so với lo ngại ban đầu.