Một nền điện ảnh bạo lực không thể vô can
Cho đến một năm trước đây, James Eagan Holmes, sát thủ tiến hành vụ thảm sát đẫm máu tại rạp chiếu phim Batman ở Aurora (Denver, bang Colorado, Mỹ), vẫn là một công dân tốt. Là một sinh viên thông minh, yêu thích thể thao, và một đứa con ngoan ngoãn, chịu khó trong gia đình, Holmes nắm trong tay một tương lai tốt đẹp nếu như không có một ảnh hưởng nào đó đã dẫn anh ta tới tội ác kinh hoàng hôm 19/7.
Sát thủ Holmes (trái) và nhân vật Joker do Heath Ledger thủ vai trong Batman phần 2. |
Nửa đêm 19/7, Holmes mang theo bốn khẩu súng, xông vào rạp chiếu phim Century 16 ở Aurora, nơi đang chiếu ra mắt “The Dark Knight Rises” (Người dơi trở lại) - phần mới nhất và cuối cùng của loạt phim về “Người dơi” (Batman). Hắn xuất hiện ở một trong 16 phòng chiếu, với trang bị đầy đủ như một sát thủ chuyên nghiệp: mũ sắt, mặt nạ chống hơi độc, áo giáp chống đạn, tấm bảo hộ cổ và hạ bộ, găng tay chuyên dụng... Sau khi tung lựu đạn khói, kẻ sát nhân bình tĩnh xả súng vào đám đông, không gào thét, không kích động.
Sau khi bắn chết 12 người và làm 59 người bị thương, Holmes nhanh chóng lủi qua lối cửa thoát hiểm đã được mở sẵn nhưng cảnh sát vòng ngoài đã tóm được hắn.
Theo điều tra ban đầu, tay súng là James Eagan Holmes, 24 tuổi, đã tốt nghiệp ngành thần kinh học tại Đại học California-Riverside năm 2010 và mới đây đã bỏ ngang chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành này tại Đại học Colorado-Denver.
Holmes xuất thân từ một khu dân cư yên bình ở San Diego, bang Colorado và được hàng xóm mô tả là một thanh niên ngăn nắp và hiểu biết, có phần “nhút nhát, cô độc”. Họ cũng thường nhìn thấy Holmes rửa xe và cắt cỏ cho bố mẹ. Ở trường, Holmes là một sinh viên ưu tú, từng đứng đầu lớp tại đại học.
Khi bị bắt, Holmes tự xưng mình là “Joker”, nhân vật phản diện tàn ác của loạt phim “Batman”. Hắn cũng nhuộm tóc đỏ giống như nhân vật này. Đây dường như là một minh chứng không thể chối cãi cho ảnh hưởng của những cuốn phim bạo lực đối với hung thủ.
Dư luận cho rằng, cùng với sự tự do buôn bán, sở hữu vũ khí ở Mỹ, một nền điện ảnh đầy rẫy bạo lực là nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch phòng chiếu trên.
Ám ảnh từ “Thằng hề”
“The Dark Knight” (Batman phần 2) kể về cuộc chiến đấu giữa Người dơi và Joker - tên tội phạm nguy hiểm, điên cuồng luôn xuất hiện với bộ mặt hóa trang trắng toát và cái miệng cười rộng ngoác, được khán giả Việt Nam biết đến với tên gọi “Thằng hề”.
Bộ phim đã thu về 900 triệu USD doanh thu phòng vé trên khắp thế giới và trở thành một trong những đại diện điển hình của loạt phim người hùng ở Hollywood. Thành công của nó được cho là nhờ nhân vật Joker do cố tài tử Heath Ledger thủ vai trong Batman phần 2 - “The Dark Knight”. Heath đã mang lại cho khán giả một Joker thực sự điên cuồng, vai diễn xuất sắc đến đáng sợ. Không lộ mặt thật trong suốt bộ phim, Joker khiến người xem rùng mình mỗi khi hắn liếm lưỡi đầy phấn khích khi chuẩn bị thực hiện một tội ác man rợ hay điệu cười nổi gai ốc với cái miệng màu máu đỏ rộng ngoác đến tận mang tai.
Lần đầu ra mắt công chúng, suất chiếu đầu tiên của “The Dark Knight” cũng vào lúc nửa đêm. Khi đó, 3.700 rạp trên toàn nước Mỹ đều có những suất chiếu đêm cho Batman 2 và ngay trong 3 ngày đầu tiên, các suất đêm đã đem về 18,5 triệu USD. Năm nay, mong đợi hiệu ứng tương tự, nhà sản xuất cũng đã quyết định mở màn suất chiếu đầu của “The Dark Night Rises” vào lúc nửa đêm và bi kịch đã xảy ra.
Nhưng James Holmes không phải là nạn nhân đầu tiên của nỗi ám ảnh “Joker”. Trước khi đột tử vì uống thuốc ngủ quá liều vào năm 2008, nam tài tử Heath Ledger từng phát biểu rằng, anh rất căng thẳng trong quá trình quay phim, và mất ngủ liên miên khi đóng vai Joker. “Thân xác tôi rã rời còn thần kinh thì hưng phấn”, Ledger cho biết. Điều đáng chú ý là Holmes cũng được phát hiện đã sử dụng đúng loại thuốc ngủ từng giết chết Ledger.
Màn tắm máu tại Aurora của Holmes cũng được cho là bản sao của chương mô tả một sát thủ nổ súng loạn xạ vào một rạp chiếu phim trong truyện tranh Batman. Trong phần hai của bộ truyện có tên “The Dark Knight Return”, được viết bởi Frank Miller (người viết kịch bản cho hai bộ phim bạo lực khác của Hollywood là “Sin City và “300”), tay súng Arnold Crimp đã nổ súng vào một rạp chiếu phim khiêu dâm, giết chết 3 người sau khi nghe bản “Stairway to Heaven” của Led Zepplin.
Khi Hollywood tràn ngập bạo lực
Bạo lực là yếu tố không thể thiếu trong những bộ phim “bom tấn” ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của Hollywood. Muốn khắc họa hình ảnh người anh hùng lớn bao nhiêu, mạnh mẽ bao nhiêu, yếu tố bạo lực, đẫm máu càng phải khủng khiếp bấy nhiêu. Vì vậy, yếu tố bạo lực đã từ lâu trở thành "thương hiệu", trở thành mồi câu khách của điện ảnh Mỹ. Có thể nhìn thấy những cảnh đẫm máu như thế này trong rất nhiều bộ phim, ở đủ mọi đề tài và thể loại. Những nhà làm phim Mỹ không bao giờ quên đưa sức mạnh vũ khí, sức mạnh "hủy diệt kẻ yếu" vào trong những thước phim của mình.
Đã từ lâu, các nhà tâm lý học đã khẳng định, những bộ phim bạo lực đẫm máu có tác động không nhỏ đến tư duy người xem, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Thậm chí, những cảnh đẫm máu có thể khiến người xem bị ám ảnh trong suốt một thời gian dài. Báo chí Mỹ cũng từng cảnh báo về nạn bạo lực học đường xảy ra tràn lan ở các trường học do ảnh hưởng từ bạo lực trên phim ảnh.
Sau thảm kịch tại Denver, hãng Warner Bros đã thông báo hủy bỏ các sự kiện thảm đỏ tại Mêhicô và Nhật Bản, nhưng kế hoạch công chiếu thì vẫn được tiến hành. Warner Bros cũng đã cắt bỏ một phần trong trailer (video giới thiệu) của “Gangster Squad”, một bộ phim về những tay cướp vào thập niên 1940, do cảnh bắn giết trong phim này giống một cách kỳ lạ với vụ thảm sát tại Denver. Theo tờ Los Angeles Times, Warner đang cân nhắc hoãn công chiếu “Gangster Squad” theo kế hoạch ban đầu vào tháng 9 hoặc tiến hành một số thay đổi đối với bộ phim do tính nhạy cảm của thảm kịch phòng chiếu Batman.
Thu Hằng