Robot Nhật Bản thâm nhập nhà máy Trung Quốc

Trong bối cảnh chi phí nhân công tăng cao hiện nay, việc đưa các dây chuyền người máy (robot) thay thế cho người lao động đang được các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh, dẫn tới một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà chế tạo người máy Nhật Bản với các hãng châu Âu và doanh nghiệp địa phương.


 

Dây chuyền lắp ráp robot tại nhà máy của tập đoàn điện tử Yaskawa (Nhật Bản) tại Thường Châu, Trung Quốc.

 

Trong tháng 2/2013, một doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản đã nhận được giấy phép xây dựng nhà máy chế tạo robot loại lớn đầu tiên ở Trung Quốc. Nhà máy này được đặt tại thành phố Trương Gia Cảng, tỉnh Chiết Giang. Với phương châm hoạt động “không để khách hàng phải đợi”, nhà máy này là có thể xuất hàng trong vòng 1 tháng sau khi nhận được đơn đặt hàng. Trong tháng 5/2013, công ty chế tạo robot Yasugawa (Nhật Bản) đứng thứ tư thế giới về chế tạo robot công nghiệp, cũng đã cho vận hành một nhà máy mới tại thành phố Thường Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).


Trong khi đó, các đối thủ nước ngoài như Kuka của Đức cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy chế tạo robot tại Thượng Hải trong tháng 12 tới. Mục tiêu của Kuka là cạnh tranh với công ty ABB (Thụy Sỹ) - công ty đã đặt một nhà máy chế tạo robot từ năm 2005. Việc có các đối thủ nước ngoài vào thị trường Trung Quốc khiến cho cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường chế tạo robot được cho sẽ diễn ra hết sức quyết liệt.


Việc mở rộng các nhà máy sản xuất robot là nhằm phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản vốn đang đẩy mạnh việc sử dụng robot công nghiệp trong nhiều hoạt động sản xuất, chẳng hạn lắp ráp, phun sơn tại các nhà máy sản xuất ô tô ở Trung Quốc.


 

Robot của tập đoàn Kuka làm việc trong dây chuyền lắp ráp ô tô ở Đức.

 

Theo đánh giá của các nhà kinh tế, việc các nhà chế tạo robot công nghiệp đổ vào Trung Quốc phản ánh giai đoạn chuyển giao phương thức sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc - nước được mệnh danh là công xưởng của thế giới. Nguyên nhân là chi phí nhân công tăng, trong đó mức tăng lương thấp nhất cũng đã vượt 10%/năm. Riêng tại thành phố Thượng Hải, lương công nhân đã có mức tăng tới 70% trong vòng 4 năm qua.


Các thống kê cũng cho thấy số lượng robot dây chuyền công nghiệp được đưa vào các nhà máy ở Trung Quốc năm 2011 là 22.000, tăng 1,5 lần so với năm trước. Dự đoán, quy mô này sẽ được mở rộng vào năm 2015 và Trung Quốc sẽ là nước sử dụng dây chuyền robot công nghiệp lớn nhất thế giới, với khoảng 35.000 robot.


Theo thống kê vừa công bố ngày 17/7, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 14,4% so với một năm trước đó, lên 4,69 tỷ USD, bất chấp căng thẳng trong quan hệ song phương liên quan đến tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mặc dù thấp hơn mức tăng 16,3% của cả năm 2012, song đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng hai con số, cho thấy các công ty Nhật Bản tiếp tục đi tiên phong trong việc nắm bắt các cơ hội đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Sản xuất robot - một lĩnh vực thế mạnh của các công ty công nghệ Nhật Bản - đương nhiên không nằm ngoài xu thế này.


Trường Giang
(P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN