Vào cuối tháng 5, Tomoe Sawano - chủ một tiệm làm móng tại Kyoto, Nhật Bản - đã tự biến mình thành một cô dâu. Cô tự chọn váy cưới, làm hoa cưới, làm tóc, trang điểm và có buổi chụp hình tại một khu vườn trong khu thành cổ với giá dịch vụ 250.000 yên (tương đương 2.100 USD). “Tôi thực sự thấy thú vị và dường như dịch vụ này tiếp thêm sức mạnh , khiến bản thân tôi cảm thấy tự tin hơn”, cô Sawano bày tỏ.
Sawano là vị khách đầu tiên sử dụng dịch vụ “đám cưới độc thân” kéo dài 2 ngày của công ty lữ hành Cerca ở Kyoto - một công ty tập trung phục vụ những nhu cầu thiết yếu của phụ nữ.
Một phụ nữ người Nhật Bản hạnh phúc rạng rỡ trong dịch vụ “Đám cưới độc thân”. |
Thêm vào đó, công ty còn phát triển gói dịch vụ bao gồm một chuyến taxi cá nhân dành riêng cho những cô gái thất tình và những chuyến du lịch đêm cho các quý bà tại các quán rượu truyền thống ở Nhật.
Vào cuối tháng 12/2014, khoảng 30 phụ nữ đến từ khắp nơi trên đất nước mặt trời mọc đã sử dụng một gói dịch vụ “đám cưới độc thân” bao gồm một đêm ở khách sạn Kyoto, di chuyển bằng xe limousine và chụp một bộ ảnh cưới.
Giá chi trả cho dịch vụ dao động từ 250.000 yên đến 470.000 yên (tương đương 45 triệu đến 85 triệu VND) tùy thuộc vào chất lượng và quy mô của dịch vụ. Các “cô dâu” có thể thay thế áo cưới bằng trang phục truyền thống kimono để thực hiện bộ ảnh.
Theo nhận xét của nhiều nữ khách hàng, mức giá này là hợp lí vì nếu trong đám cưới thật, chỉ riêng tiền thuê váy cưới có thể lên tới 200.000 yên và tiền thuê thợ chụp hình, trang điểm tiêu tốn tới 250.000 yên.
Điều đáng ngạc nhiên là một nửa số người tham gia dịch vụ này là những người đã lấy chồng, song họ chưa từng tổ chức lễ cưới hoặc chưa hài lòng với trải nghiệm hôn nhân mình có. Nhóm tuổi tham gia dịch vụ chiếm phần lớn là những người gần 40 tuổi, tiếp đến là nhóm 50 và 60 tuổi.
Cô Yumi Akai, 41 tuổi, đã lập gia đình, chụp một bộ ảnh cưới vào tháng 7 năm ngoái. Cô cho biết đó là món quà từ người chồng, vì trước đó cô chưa có cơ hội mặc áo cưới và cặp đôi đã phải bỏ lỡ lễ cưới của mình.
Cả Sawano và Akai đều tin rằng những trải nghiệm này sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tổ chức một đám cưới thật, vì họ sống hết mình cho những giây phút được làm cô dâu, không chịu sự chú ý của người thân, bè bạn hay buộc phải chụp một bộ ảnh cưới trong thời gian gấp gáp.
Trong khi đó, Inoue, một khách hàng khác của dịch vụ “đám cưới độc thân” cho biết cô muốn làm đám cưới kiểu này vì muốn khích lệ phụ nữ phải có niềm tin vào bản thân.
Không chịu kết hôn
Ở Nhật Bản, hôn nhân thường bị coi là điểm chấm dứt sự nghiệp của một người phụ nữ, thậm chí ngay cả khi người đó có trình độ học vấn cao.
Khi người phụ nữ sinh con, họ sẽ phải đối mặt với áp lực xã hội phải bỏ việc để đảm nhiệm vai trò là người mẹ, người vợ truyền thống trong gia đình. Nhiều phụ nữ cho biết nhà tuyển dụng rất ít khi thuê họ làm việc khi biết họ đã có gia đình.
Nhằm loại bỏ gánh nặng của việc trở thành một người phụ nữ truyền thống, hoàn toàn phụ thuộc vào chồng về mặt kinh tế, không ít phụ nữ Nhật Bản đã chọn cách không lấy chồng để hưởng thụ cuộc sống độc thân.
Không phải lo chăm sóc chồng con, toàn tâm toàn ý theo đuổi sự nghiệp và có thể vui chơi theo ý thích bất kỳ lúc nào luôn là lí do khiến nhiều phụ nữ đến ngưỡng 30 tuổi ở Nhật Bản không chịu kết hôn.
Nhiều chị tâm sự rằng không lập gia đình mang lại cho họ quỹ thời gian dư dả cho bản thân, không phải hi sinh thời gian, nhan sắc và cả những mong muốn cá nhân cho cuộc sống gia đình.
Việc phụ nữ ở Nhật Bản không còn hứng thú với chuyện lấy chồng đã làm nảy sinh một thực trạng khiến giới chức Nhật Bản đau đầu. Không kết hôn đồng nghĩa với việc không sinh con.
Nhật Bản hiện đang phải hứng chịu tình trạng già hóa dân số, đẩy nước này đứng trước nhiều thách thức, đó là vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động, khả năng chi trả thuế và các khoản bảo hiểm giảm, lực lượng lao động sẽ phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an sinh xã hội.
Hồng Hạnh