‘Phép màu’ cũng chết ở Gaza

Khi bé gái Shaima được phẫu thuật để lấy ra từ tử cung của người mẹ qua đời sau một trận không kích của Israel ngày 26/7, trong niềm hân hoan của mọi người, em được tung hô là một phép màu, một tia sang hiếm hoi trong những ngày mịt mù đen tối nhất của Gaza.

Bé Shaima trong lồng kính.


Tuy nhiên, đứa trẻ "phép màu" của Gaza cũng đã sớm ra đi vào ngày 30/7 sau khi máy trợ thở tại bệnh viện không thể hoạt động do các vụ đánh bom của Israel cắt đứt nguồn cung cấp điện.

Theo các bác sĩ, lẽ ra Shaima sẽ vẫn tiếp tục sử dụng máy trợ thở trong năm tuần tới để hồi phục sức khỏe vì trước khi các bác sĩ hoàn thành ca phẫu thuật cứu mạng em, người mẹ đã tắt thở 10 phút.

Các y tá của bệnh viện cho hay, sức khỏe của Shaima đã ở trong tình trạng ổn định và tiến triển tốt. Nhưng có vẻ như không gì có thể “tiến triển tốt” khi có một cuộc chiến đang hoành hành ở ngoài kia.

Ngày 29/7, một ngày trước khi Shaima qua đời, Israel tăng cường bắn phá vào Dải Gaza sau khi một tia hy vọng le lói về một lệnh ngừng bắn trong ngày lễ Hồi giáo Eid al-Fitr lóe lên lay lắt và ngắn ngủi.

Cư dân ở Gaza gọi ngày hôm đó là “ngày đen tối nhất” kể từ ngày 8/7, thời điểm quân đội Israel bắt đầu cuộc tấn công. Lí do không chỉ bởi vì đó là ngày mà số người thiệt mạng ở mức lớn nhất: 125 người/ngày mà còn bởi vào ngày hôm đó, Israel đã phá hủy nhà máy điện duy nhất trong khu vực.

Mahamed al-Sharif, giám đốc của nhà máy điện cho biết, các bình nhiên liệu trong nhà máy đã bị phá hủy hoàn toàn vào 7 giờ sang theo giờ địa phương, ngày 29/7, và lửa bùng lên nuốt chửng turbine chính sản xuất điện. Kết quả là, màn đêm tối tăm trùm lên cuộc sống của 90% trong số 1,8 triệu dân.

Bé Shaima và hình ảnh của người mẹ quá cố (góc trên bên phải).


Bất chấp những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện, bé gái 5 ngày tuổi Shaima đã trút hơi thở cuối cùng sau khi máy bổ sung khí oxy không thể hoạt động vì trình trạng mất điện tiếp tục diễn ra.

Với những người Palestine đang phải sống trong cảnh bom rơi đạn lạc, sự ra đời của Shaima tượng trưng cho hy vọng của cuộc sống giữa bom đạn và gian khổ. Thế nhưng, hy vọng ấy cũng sớm lụi tàn.

Khi vẫn còn thoi thóp thở trong lồng kính, bé Shaima không đủ sức để mở mắt. Cô bé chưa bao giờ có cơ hội nhìn thế giới mà mình được sinh ra. Trong con mắt của nhiều người ở Gaza, đó dường như lại là một lời ban phúc cho cuộc đời bất hạnh của Shaima.

Chứng kiến sự chào đời của Shaima, nhiều người từng thấy xót thương, đau đớn cho số phận của cô bé, rằng sau này em sẽ được giải thích thế nào về ngày mình chào đời, mẹ em là ai. Nhưng ngày đó sẽ mãi mãi không bao giờ đến.

Trong 26 ngày Israel oanh tạc dọc Dải Gaza, một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất trên thế giới, có hơn 1.680 người Palestine đã thiệt mạng, gần 9.000 người bị thương. 2/3 con số thương vong là thường dân, ít nhất 296 trong số đó là trẻ em.

Những đoàn người rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn một mặt vừa tạo ra những thị trấn hoang tàn vắng vẻ ở phía bắc Dải Gaza, một mặt lại dựng lên những lều bạt xác xơ ở miền trung Gaza. Theo Liên hợp quốc, gần nửa triệu người Palestine đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, 240.000 người trong số đó đang tập trung tại các cơ sở hỗ trợ của Liên hợp quốc.

Theo Bộ y tế Palestine, khoảng 5.000 căn nhà đã bị phá hủy hoàn toàn trong các cuộc không kích của Israel. Nhiều người Palestine, đặc biệt là giới trẻ, bắt đầu tính từng ngày cuộc đời của họ trên các trang mạng xẽ hội. Phần lớn trong số họ bắt đầu dòng trạng thái bằng câu nói: “Tôi đã sống sót đêm qua”.


Anh Tiếu (Theo Tân Hoa Xã)

Xung đột Gaza chưa có lối thoát
Xung đột Gaza chưa có lối thoát

Cả Israel và phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza đều tuyên bố tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được mục đích, bất chấp nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn và bất chấp thực tế rằng xung đột đã khiến hơn 1.700 người thiệt mạng kể từ ngày 8/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN