Mới đây, phát biểu tại thành phố Irkutsk, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh: “Đáng tiếc là tình hình đã ở mức mà dường như chúng ta buộc phải làm theo cách đó (xét nghiệm ma túy đối với học sinh phổ thông)”. Bộ Y tế và Phát triển xã hội đã ngay lập tức phản ứng cực kỳ nhanh chóng đối với “gợi ý” của Tổng thống.
1-Xét nghiệm ma túy ở học sinh lớn
Bộ trưởng Tatyana Golikova ngay lập tức đệ trình dự luật về xét nghiệm ma túy đối với học sinh phổ thông do Bộ Y tế và Phát triển xã hội soạn chung với Bộ Giáo dục và Khoa học. Theo lời bà Golikova, việc xét nghiệm được tiến hành tại trường học theo hai giai đoạn và chỉ dành cho các lứa học sinh trên 13 tuổi. Giai đoạn đầu mang tính chất “xã hội học”, có nghĩa là chỉ có mục học sinh tự kê khai. Giai đoạn hai dành riêng cho nhóm học sinh có nguy cơ cao. Đồng thời, vị bộ trưởng nhấn mạnh rằng việc xét nghiệm sẽ dựa trên cơ sở tự nguyện thuần túy.
Dự luật làm nảy sinh một loạt câu hỏi từ phía các chuyên gia. Câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất: Cứ cho là học sinh A có kết quả dương tính. Vậy thì phải làm gì tiếp với em này? Câu hỏi thứ hai: Nếu việc xét nghiệm mang tính chất tự nguyện thì ý nghĩa của nó nằm ở đâu?
Một trung tâm cai nghiện ma túy cho thanh thiếu niên ở Nga. Ảnh: Internet |
Báo chí Nga cho rằng nhà nước không có câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất. Tại Nga thiếu cơ sở hạ tầng để phục vụ công tác cai nghiện ma túy cho học sinh - không đủ các chuyên gia chuyên ngành hẹp, trung tâm cai, phương pháp phòng chống có hiệu quả. Thêm vào đó, theo con số thống kê thì chỉ 2% các đối tượng đoạn tuyệt được với ma túy sau các khóa cai nghiện tại các trung tâm của nhà nước. Việc thiếu thốn cơ sở vật chất cho thấy những học sinh trót đắm đuối với chất gây nghiện khó lòng được giúp đỡ kịp thời. Trong trường hợp tốt nhất là các em được “trả” về gia đình. Tiếp đó là những phương án khác nhau. Những ông bố bà mẹ có trách nhiệm sẽ đưa con vào các trung tâm cai nghiện mất tiền với các khoản chi “trên trời”. Những gia đình vô trách nhiệm thì bỏ mặc hay hành hạ con em cho bõ ghét.
Câu hỏi thứ hai là về ý nghĩa tính chất tự nguyện của việc xét nghiệm. Chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng những học sinh không sử dụng ma túy đồng ý xét nghiệm, ngược lại, những em trót nghiện thì tìm cách “lủi”. Có cách ứng xử như thế nào đối với các em không chịu xét nghiệm - lập ra “danh sách đen” và theo dõi chặt chẽ chăng?
Dư luận Nga cho rằng dự luật mới cũng không trả lời được câu hỏi là việc xét nghiệm học sinh, sinh viên hoàn toàn mang tính chất trừng phạt hay nó đi kèm với các biện pháp y tế. Không có lời giải cho các câu hỏi trên thì việc giúp đỡ thế hệ trẻ sẽ lại chỉ mang tính chất của một chiến dịch tuyên truyền.
2-Cấm… cho điểm trò lớp một
Lãnh đạo Cơ quan Giám sát tiêu dùng Nga Gennady Onishenko đã ra chỉ thị cấm chấm điểm cho học sinh lớp một, còn học sinh các lớp cuối cấp không được làm bài tập về nhà quá 3,5 giờ/ngày.
Chỉ thị của ông Onishenko cũng nêu rõ rằng học sinh lớp một được nghỉ thứ bảy, chủ nhật và chỉ học vào buổi sáng, thời gian nghỉ giữa buổi không dưới 40 phút. Học sinh không được chấm điểm và không phải làm bài tập về nhà. Học sinh lớp 2 và lớp 3 không được làm bài tập quá 1,5 giờ, lớp 4 và 5 - không quá 2 giờ, lớp 6 và 8 - không quá 2,5 giờ, lớp 9 và 11 - không quá 3,5 giờ. Trọng lượng toàn bộ sách vở đối với học sinh lớp 1 và 2 không được vượt quá 1,5 kg, lớp 3 và 4 - không quá 2 cân, lớp 5 và 6 - không quá 2,5 kg, lớp 7 và 8 - không quá 3,5 kg, lớp 9 và 11 - không quá 4 kg.
Để đáp ứng nhu cầu vận động của cơ thể, học sinh các cấp được khuyến cáo phải có không dưới 3 tiết học thể dục mỗi tuần. Các trường không được phép thay thế giờ thể dục bằng các môn học khác. Nghiêm cấm nhà trường để học sinh làm việc trong điều kiện độc hại hay nguy hiểm mà chỉ công dân từ 18 tuổi trở lên mới được phép, dọn vệ sinh ở các điểm công cộng, lau rửa cửa sổ, đèn chùm, xúc tuyết…
Sĩ số mỗi lớp học trong các trường học phổ thông ở Nga không được vượt quá 25 người. Giờ học phải bắt đầu từ 8 giờ sáng trở đi và không chấp nhận để học sinh học ca ba.
Trần Quang Vinh (theo Newsland)