Người Philíppin rèn kỹ năng làm nghề giúp việc

Cô gái Cherry Pie Antaban, 30 tuổi, người Philíppin, chỉ muốn làm một nghề đơn giản là giúp việc gia đình tại Xinhgapo. Nhưng cô không ngờ rằng cô phải trải qua một khóa học vất vả đến như vậy, có lúc tưởng như khó ngang với khóa học lấy bằng kỹ sư.

Một học viên học cách trải ga giường trong khóa học làm người giúp việc. Ảnh: AFP/TTXVN


Giống như mọi phụ nữ Philíppin khác muốn làm nghề giúp việc ở nước ngoài, Antaban phải tham gia một khóa học cấp tốc về nghề này. Cô tâm sự: "Tôi không biết rằng việc quét dọn lại cần có quá nhiều kỹ năng khác nhau như vậy. Không chỉ đơn giản là quét nhà và lau chùi. Chúng tôi phải biết điều khiển các loại máy hút bụi, máy điều hòa nhiệt độ khác nhau và cách lau chùi chúng".

Tâm sự của Antaban cũng dễ hiểu vì cô giống như gần 100.000 phụ nữ xuất thân từ các gia đình nghèo khó ở Philíppin, nơi mà họ chỉ giặt quần áo bằng tay và rửa bát trong chậu. Trước khi được cấp chứng chỉ để sang Xinhgapo làm việc với mức lương 400 USD/tháng (gấp 6 lần mức lương người giúp việc trong nước), Antaban phải vượt qua khóa học kéo dài 1 tháng.

Tuy nhiên, không có điều gì đảm bảo rằng cô sẽ vượt qua kỳ thi này khi có khoảng 6% số học viên trên cả nước mỗi năm không hoàn thành được khóa học. Bà Lenny Carreon, người phụ trách khóa học tại 2 huyện ở thủ đô Manila thuộc Sở dạy nghề, cho biết: "Nhiều học viên trượt kỳ thi sát hạch vì họ không thể sử dụng máy hút bụi, máy giặt và máy sấy. Đây là những phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo. Họ không quen với các thiết bị gia dụng hiện đại".

Các khóa học dành cho người giúp việc như cô Antaban được chính phủ Philíppin tổ chức sau khi số người dân nước này ra nước ngoài làm nghề giúp việc gia đình bùng nổ trong năm 2005. Khóa học nhằm giúp họ giải quyết những mối lo ngại mà họ không thể xử lý ở môi trường nước ngoài. Bà Carreon cho biết, đến nay chương trình này phần lớn là thành công. Sau khi tham gia khóa học, kỹ năng và lòng tự tin của học viên tăng đáng kể. Ngoài các công việc gia đình, họ còn được dạy cả về văn hóa ở nước ngoài.

Trong một buổi học điển hình, hướng dẫn viên Charibel Barrios thường dành nửa ngày để dạy khoảng 50 học viên cách dùng máy giặt. Ông hướng dẫn họ những thao các cơ bản nhất, từ bước phân loại quần áo trắng với quần áo màu đến các chế độ giặt. Ông đến chỗ từng học viên để kiểm tra xem họ có làm đúng hướng dẫn không.

Trong khóa học, họ được dạy cách nấu món ăn Trung Quốc, lau dọn nhà cửa và bày bàn ăn phù hợp với văn hóa của người Trung Quốc và Xinhgapo - hai quốc gia các học viên sẽ đến làm người giúp việc. Họ cũng được học các kỹ năng khác như cách lau cửa sổ bằng giẻ lau cao su, sắp xếp và gấp chăn gối trên giường như trong khách sạn hay lau sàn nhà bằng cách quỳ gối và lau bằng tay thay vì dùng cây lau nhà đơn giản.

Một số học viên cảm thấy mất thể diện khi quỳ gối lau nhà nhưng đó là điều bắt buộc nếu không muốn gia đình chủ tương lai không vừa ý. Janet Quiron, một cô gái 25 tuổi từng là giáo viên, tâm sự: "Thật đau khổ khi có bằng đại học rồi lại phải làm người giúp việc gia đình. Nhưng tôi phải nghĩ đến gia đình mình. Tôi phải nuôi hai em ăn học". Quiron cho biết cô chỉ kiếm được 120 USD mỗi tháng khi còn làm giáo viên. Nhưng nếu làm giúp việc gia đình ở Hồng Công, cô có thể kiếm được gấp 4 lần.

Rất nhiều người Philíppin ở trong hoàn cảnh cực chẳng đã như Quiron. Nhiều người đã bỏ nghề để ra nước ngoài kiếm sống bằng những nghề lao động chân tay. Hơn 9 triệu người Philíppin, tương đương 10% dân số, đang làm việc ở nước ngoài. Năm 2010, hơn 96.000 phụ nữ đã sang nước ngoài làm người giúp việc gia đình. Theo thống kê của chính phủ, số người Philíppin làm nghề giúp việc gia đình ở nước ngoài chỉ đứng sau số người làm nghề đi biển.

Chẳng ai muốn rời bỏ người thân, nhà cửa, quê hương để sang xứ người, nhưng tất cả vì miếng cơm manh áo mà họ phải dấn thân. Annaliza Ambrocio trước đây từng là một thư ký nhưng đã bỏ nghề ra Libi kiếm sống trong hai năm. Gần đây, khi lương của chồng không đủ để nuôi sống gia đình, cô đành phải sang Hồng Công làm giúp việc, đành lòng bỏ lại đứa con trai 9 tuổi. Cô vừa kể vừa kìm nước mắt: "Con tôi buồn khi lại phải xa mẹ lần nữa. Nhưng tôi bảo cháu đừng khóc và hứa rằng khi trở về, tôi có thể mua cho cháu mọi thứ cháu muốn".

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN