Đối với các sự vụ “bạo hành gia đình” mà không gây thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân, luật pháp Nga quy định hình thức phạt hành chính 30.000 rúp (tương đương 11,5 triệu VND), tạm giam 15 ngày hoặc phục vụ cộng đồng bắt buộc 120 giờ.
Trong trường hợp đó là các lần phạm tội kế tiếp, người bị kiện sẽ phải đối mặt với mức tiền phạt 40.000 rúp (khoảng 15 triệu VND), phục vụ cộng đồng 6 tháng hoặc bị giam giữ 3 tháng.
Hơn 86 % nhà lập pháp thuộc Duma Quốc gia ủng hộ điều luật trên. Một thành viên trong Duma Nga Vitaly Milonov ủng hộ điều luật cho CNN biết: “Tôi không nghĩ chúng ta nên vi phạm quyền gia đình. Thi thoảng giữa một người đàn ông và một người phụ nữ, một người vợ và người chồng xuất hiện mâu thuẫn. Trong khi họ cãi vã, tôi không biết, một cái chảo rán, miếng mỳ ý chưa nấu,... Thực sự cái mà chúng ta gọi là bạo hành gia đình không phải là bạo hành gia đình. Đó chỉ là một bức tranh mới về mối quan hệ trong gia đình do truyền thông thổi phồng”.
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) lại hối thúc quốc hội loại bỏ luật trên, khi cho rằng điều đó “nguy hiểm và không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”.
Cô Yulia Gorbunova làm việc cho HRW nhận xét: “Nhiều người cảm thấy 'nhục nhã’ khi nói về việc mình bị bạo hành, người phụ nữ không cảm thấy họ cần phải nói lên tiếng về điều đó. Rất nguy hiểm khi chính phủ vạch đường ranh giới giữa ‘vết bầm tím’ và ‘bạo hành thể chất nghiêm trọng'. Theo tình trạng hiện nay ở Nga, bạo hành gia đình rất hiếm khi kết thúc với chỉ vết bầm tím trên người, mà thường dẫn đến hậu quả nặng nền hơn”.
Theo tờ RIA Novosti, 40 % lý do phạm tội nghiêm trọng ở Nga liên quan đến các gia đình, 36.000 người phụ nữ bị chồng đánh hằng ngày và mỗi năm lại có 12.000 phụ nữ bị thiệt mạng do bạo hành gia đình.