Nam Phi gom sương làm nước

Khi những làn sương mù quện lại trên dãy núi quanh làng Tshiavha ở tỉnh Limpopo (Nam Phi), lũ trẻ con làng lại ngắm nhìn với vẻ sung sướng vì chúng biết rằng hôm nay chúng có nước sạch để uống ở trường học.

Lưới “bắt” sương mù ở Trường tiểu học Tshiavha. Ảnh: AFP/TTXVN


Giống như nhiều khu vực nông thôn ở Nam Phi, nước máy là một thứ hiếm hoi ở làng Tshiavha. Nhưng nhờ có hệ thống thu gom sương mù tại các trường học mà tình trạng khan hiếm nước sạch giảm đi ít nhiều.

Nhờ địa hình núi non và khí hậu có nhiều sương mù nên làng Tshiavha là một trong ít những khu vực ở đất nước Nam Phi khô hạn có thể “thu hoạch” sương mù bằng một hệ thống đặt tại các dãy núi. Có từ năm 2007, nhưng các hệ thống gom sương mù vẫn còn là một điều mới lạ ở Nam Phi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi các chuyên gia dự báo rằng khu vực miền nam châu Phi sẽ ngày càng khô và nóng hơn, những mô hình này sẽ được chú ý hơn.

Hệ thống gom sương mù ở làng Tshiavha được một trường đại học ở Nam Phi thiết lập từ năm 2007. Hệ thống này chỉ là một cái lưới cao 4 mét được lắp bên ngoài sân chơi của trường học mà trông qua hơi giống lưới để chơi bóng chuyền. Chiếc lưới này được nối với máng nước để hứng các giọt sương rồi dẫn vào một bể chứa cách đó vài mét. Hệ thống này có thể gom đủ sương mù để tạo ra tới 2.500 lít nước. Hệ thống này rất tiết kiệm chi phí vì không cần dùng điện và cũng chẳng mấy khi phải bảo trì.

Tuy nhiên, muốn có nước sạch uống ở trường, các em học sinh không chỉ mong trời có nhiều sương mù mà còn phải mong trời nhiều gió nữa. Vì nếu không có gió, sương mù sẽ đứng “ì” trên đỉnh núi và không lọt vào lưới. Nhưng dù sao, đây cũng là một nguồn nước thực sự quan trọng với các em.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tshiavha, ông Lutanyani Malumedzha, nhận xét: “Nước từ sương mù rất sạch và an toàn, lại không có hóa chất”. Theo ông Malumedzha, nhờ được tiếp cận nguồn nước sạch nên sức khỏe của học sinh được cải thiện đáng kể và giảm các đợt bùng phát dịch bệnh liên quan đến nước. Ông kể: “Học sinh từng phải mang theo chai nước từ nhà khi đi học vào những tháng khô nóng. Nước này được lấy từ các giếng nước nhiều bùn và không đủ sạch để uống”.

Ở một số khu vực, nhiều cộng đồng dân cư còn dùng chung nguồn nước với gia súc. Mặc dù chất lượng nước ở Nam Phi được xếp vào loại sạch nhất thế giới nhưng những vùng nông thôn ở đây vẫn chưa có nước máy để dùng. Lượng mưa ở Nam Phi chỉ ở mức 490 mm/năm, bằng một nửa so với mức trung bình của thế giới. Cho dù không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thì Nam Phi vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu nước trong năm 2025.

Do nước sạch hiếm như vậy nên học sinh trường Tshiavha rất trân trọng nước và coi nước như một loại hàng hóa quý giá. Hầu như không một giọt nước nào bị lãng phí. Nước đã dùng rồi sẽ được mang đi tưới rau trong vườn của trường. Khu vườn này cung cấp rau xanh cho bữa ăn của các em học sinh.


Nhận xét về hệ thống gom sương mù ở Tshiavha, ông Liesl Dyson, một nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Pretoria, cho rằng đây là một lựa chọn hiệu quả về mặt chi phí và có thể triển khai mở rộng thành công.

Phương pháp “bẫy” sương mù để lấy nước sinh hoạt và nước trồng trọt cũng đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các vùng núi, như Pêru và các nước Nam Mỹ khác.

Thiết nghĩ, phương pháp đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả này cũng có thể được áp dụng ở nhiều vùng ở nước ta như Tây Nguyên, Tây Bắc, nơi có nhiều rừng núi và thiếu nước vào mùa khô.

Thùy Dương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN