Bay trên độ cao 180 mét với chiếc máy quay soi xuống khu vực bụi rậm bên dưới, chiếc máy bay không người lái lặng lẽ quan sát mục tiêu. Khi trên màn hình xuất hiện mục tiêu mờ mờ màu trắng, nó sẽ bay gần mặt đất hơn để xác nhận trước khi bắn tín hiệu gọi thêm lực lượng hậu thuẫn. Mục tiêu là bảo vệ con tê giác đen đang gặp nguy hiểm trước những kẻ săn bắn trái phép.
Đàn tê giác Nam Phi sẽ được máy bay không người lái bảo vệ. |
Nhu cầu về sừng tê giác tăng vọt khiến hoạt động săn bắn tê giác ngày càng phổ biến và những kẻ săn trộm ngày càng tinh vi hơn. Chúng dùng trực thăng, kính nhìn ban đêm và súng hỏa lực mạnh khi đi săn, buộc những người bảo vệ tê giác cũng phải “tự nâng cấp”. Máy bay không người lái là một trong những vũ khí dùng trong cuộc chiến bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Chỉ trong vài phút, người ta có thể dùng phương pháp thủ công để đưa chiếc máy bay không người lái Falcon chạy bằng pin nhỏ và nhẹ lên không, bay cách mặt đất khoảng 80 km trong 90 phút. Với máy quay hồng ngoại độ phân giải cao, chiếc máy bay có thể nhận ra voi, tê giác và sư tử hay bất kỳ kẻ nào đang theo dõi chúng.
Dựa trên phân tích dữ liệu về thời điểm, địa điểm xảy ra các vụ săn tê giác trước đó, người ta sẽ điều khiển máy bay để nó có thể xác định vị trí kiểm lâm gần với điểm nóng của bọn săn trộm. Khi xác định được những kẻ nghi là thợ săn trộm, kiểm lâm có thể chủ động chuẩn bị trước vũ khí khi biết sẽ phải đối mặt với bao nhiêu tên. Một khi đã tóm gọn bọn chúng, họ sẽ có các đoạn video làm bằng chứng trước tòa.
Dự án bảo vệ tê giác bằng máy bay không người lái hi vọng có thể dùng công nghệ này lật ngược lại cuộc chiến chống nạn săn bắn trộm. Ở Nam Phi, quê hương của hầu hết tê giác châu Phi, chính phủ đã phải đầu hàng trước những tên săn trộm. Kể từ năm 2007, nhu cầu mua sừng tê giác để chữa bệnh đã khiến số tê giác thiệt mạng tăng tới 3.000%.
Năm 2011, 448 con tê giác Nam Phi bị giết. Từ đầu năm 2013 đến nay, thêm 350 con đã chết và dự báo con số này sẽ tăng lên 750 vào cuối năm. Công viên quốc gia Kruger của Nam Phi đã mất hơn 50% số tê giác kể từ năm 2010. Quân đội quốc gia đã được cử tới để giúp kiểm lâm đối phó với nạn săn bắn trộm và hầu như ngày nào cũng có thông tin về các vụ đấu súng giữa kiểm lâm và thợ săn. Thương vong của người cũng tăng cùng thương vong của tê giác.
Sự có mặt của quân đội khiến những kẻ săn bắn trộm khó làm ăn ở khu vực công viên Kruger do nhà nước quản lý. Chúng đã tăng cường hoạt động trên những khu vực do tư nhân quản lý ở phía tây, chỗ ở của những con tê giác đen cuối cùng của Nam Phi. Đây cũng chính là nơi chiếc Falcon được điều đến.
Ý tưởng dùng máy bay không người lái chống nạn săn bắn trộm không phải là điều mới mẻ ở châu Phi. Nó từng được thử nghiệm ở một số khu vực khác thuộc Nam Phi và Kênia. Công nghệ quân sự hiện đại tốn kém và hơn nữa một số nước chưa mạnh dạn cho phép máy bay không người lái bay trên không phận của mình, dù là với mục đích bảo vệ động vật hoang dã đã khiến ý tưởng này thực sự trở nên phổ biến.
Anh Chris Miser, người thiết kế chiếc Falcon nói trên, đã tìm cách giải quyết hai vấn đề trên bằng cách sử dụng vật liệu dân sự cho chiếc Falcon và biến nó thành máy bay tầm ngắn. Giá của nó khoảng 15.000 USD, cộng thêm 23.000 USD cho chiếc máy quay, thiết bị kiểm soát dưới mặt đất và chi phí đào tạo. Tất cả tương ứng với lương cả năm của một kiểm lâm. Chiếc Falcon có thể đảm nhiệm công việc của ít nhất 10 kiểm lâm trên mặt đất, giúp họ đếm động vật và vẽ sơ đồ.
Máy bay không người lái đã mang lại hi vọng mới cho cuộc chiến bảo vệ tê giác ở Nam Phi nói riêng và các loài động vật quý hiếm khác trên thế giới nói chung.
Thùy Dương