Làm huy chương Olympic từ “rác đô thị”

Chỉ còn hơn 3 năm để hoàn tất công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo 2020, Nhật Bản đang thu gom các thiết bị điện tử thải loại để sản xuất huy chương Olympic.

Hồi tháng 6, một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo từ chính phủ, đơn vị tổ chức sự kiện và các công ty công nghệ diễn ra ở Nhật Bản đã lên kế hoạch sản xuất những tấm huy chương thế vận hội đảm bảo tiêu chí tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Mục tiêu các nhà tổ chức đặt ra là “săn lùng” được 2 tấn kim loại quý tách từ các thiết bị điện tử đã qua sử dụng để sản xuất các bộ huy chương vinh danh những người chiến thắng. 

Ý tưởng thu thập vàng, bạc, đồng từ các thiết bị điện tử đã qua sử dụng xuất phát từ thực tế việc sản xuất các tấm huy chương không yêu cầu nhiều kim loại trong khi Nhật Bản có đủ rác điện tử để cung cấp nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Thế vận hội London 2012 sử dụng tổng cộng 9,6 kg vàng, 1.210 kg bạc và 700 kg đồng đỏ để sản xuất huy chương. Theo NBC Montana, tại thế vận hội Rio 2016, một tấm huy chương vàng được làm từ khoảng 0,45 kg bạc và nửa lạng vàng. Trong khi đó, theo trang Nikkei Asian Review, năm 2014, Nhật Bản thu thập được khoảng 143 kg vàng, 1,6 tấn bạc và 1,1 tấn đồng đỏ từ các thiết bị điện tử thải loại. 

Những tấm huy chương của Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ được bằng kim loại quý lấy từ các thiết bị điện tử thải loại.)

Xét về góc độ kinh tế, làm huy chương từ kim loại từ các thiết bị điện tử bỏ đi giúp giảm chi phí đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Về góc độ môi trường, việc tận dụng kim loại trong các thiết bị điện tử cũ giúp tránh làm ô nhiễm đất bởi rác điện tử không thể phân hủy và có thể chứa chất độc. 

Mỗi năm, ước tính có khoảng 650.000 tấn thiết bị điện tử bị loại bỏ ở Nhật Bản, từ đồng hồ số đến tivi màn hình phẳng hay tủ lạnh, trong khi con số được tái sử dụng theo Nikkei Asian Review chưa đến 100.000 tấn. Trước đây, những món đồ này trở thành rác thải công nghệ tập trung ở các bãi rác. Hiện nay, chúng lại được xem là các “mỏ đô thị” giàu tài nguyên của Nhật Bản bởi chứa hàng ngàn tấn vàng, bạc, đồng, sắt và các kim loại khác vốn có thể được tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Vật chất Quốc gia Nhật Bản (NIMS), lượng tài nguyên kim loại được Nhật Bản sử dụng trong các thiết bị điện tử thuộc hàng cao nhất trên thế giới, vượt qua trữ lượng kim loại tự nhiên của nhiều quốc gia sản xuất quặng. Báo cáo của NIMS ước tính trong các thiết bị điện tử của Nhật Bản hiện có khoảng 6.800 tấn vàng, chiếm khoảng 16% tổng trữ lượng quặng của thế giới; khoảng 60.000 tấn bạc, chiếm khoảng 23% trữ lượng của thế giới và 1.700 tấn iridium, trên 60 % trữ lượng của thế giới. Theo những tính toán này, Nhật Bản có nhiều vàng hơn Nam Phi và nhiều bạc, iridium cùng chì hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Sau hơn 3 tháng triển khai từ cuối năm 2009, chiến dịch “mỏ đô thị” do nhà nước điều hành từng giúp Nhật Bản khôi phục được 22 kg vàng từ 567.000 chiếc điện thoại di động thải loại cùng 79 kg bạc, 5.670 kg đồng và 2 kg palladi. Chính phủ Nhật Bản ước tính có khoảng 200 triệu chiếc điện thoại dư thừa ở các gia đình Nhật Bản. Đến trước năm 2030, Nhật Bản ước tính tự cung cấp 50% kim loại hiếm, một con số ấn tượng với một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên. 

Tuyên bố về hướng sản xuất huy chương cho các nhà vô địch Thế vận hội Tokyo 2020, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach đã nói: “Những tấm huy chương này sẽ mãi là lời nhắc nhở cho các nhà vô địch Olympic của năm 2020 về thành công của họ. Việc chúng sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự bền vững vòng quanh thế giới là hành động tốt đẹp, phù hợp với chiến lược của Olympic 2020”. 



Vũ Anh (Tổng hợp)
Cháu giành huy chương Olympic, bà qua đời vì... ăn mừng
Cháu giành huy chương Olympic, bà qua đời vì... ăn mừng

Chứng kiến cháu trai là đô cử Thái Lan Sinphet Kruaithong giành được tấm HCĐ danh giá tại Thế vận hội Mùa hè Rio 2016, bà anh vì quá vui mừng mà không may qua đời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN