Nhà vệ sinh là nhu cầu cấp bách tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Ấn Độ, đất nước có tới gần 1,3 tỷ dân. Vấn đề xây dựng nhà vệ sinh nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân đã được đưa vào chương trình nghị sự của Chính phủ Ấn Độ. Ngay trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 67 năm Ngày độc lập (15/8/2014) vừa qua, Thủ tướng Narendra Modi đã nhấn mạnh đến vấn đề này.
Mô hình bồn vệ sinh khổng lồ, do Sulabh thiết kế được trưng bày “Lễ hội nhà vệ sinh quốc tế” tại New Delhi. |
Và ngày hôm nay, 19/11, trước thềm “Ngày nhà vệ sinh thế giới” (World Toilet Day), Ấn Độ đã tổ chức “Lễ hội nhà vệ sinh quốc tế” (International Toilet Festival), với sự tham gia của các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, nhiều bệnh viện và trường học. Các nước Việt Nam, Afghanistan, Sri Lanka, Bhutan, Nepal cũng tham gia sự kiện này. Lễ hội vệ sinh quốc tế kéo dài trong ba ngày, do Tổ chức quốc tế về dịch vụ cộng đồng Sulabh tổ chức, với với mục đích chuyển đi một thông điệp mạnh mẽ về vệ sinh và chấm dứt tình trạng phóng uế ngoài trời.
Đại biểu Hạ nghị viện Ấn Độ Jagdambika Pal, Chủ tịch đảng Nhân dân Ấn Độ bang Delhi Satish Upadhway đã cùng Tiến sĩ Bindeshwar Pathak, người sáng lập Phong trào cải cách xã hội và vệ sịnh Sulabh đã tới dự, cắt bánh và thắp nến khai mạc Lễ hội. Theo ban Tổ chức, có khoảng 2.000 người, trong đó có 1.000 học sinh, 200 công nhân vệ sinh, cùng những người làm việc liên quan đến lĩnh vực vệ sinh và đại đại biểu thuộc các tổ chức phụ nữ tại các cấp địa phương đã tới dự Lễ hội.
Áp phích về “Lễ hội nhà vệ sinh quốc tế” tại New Delhi. |
Đại diện Việt Nam gồm có chị Lê Thu Thảo, cán bộ tổ chức “Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng” (Live & Learn) - một tổ chức phi chính phủ (NGO) có 14 thành viên trên thế giới - và cháu Nguyễn Thị Minh Anh, sinh năm 1999, học sinh trường phổ thông trung học Lê Quý Đông (Hà Đông) tham dự và tham luận tại Lễ hội.
Phát biểu khai mạc Lễ hội vệ sinh quốc tế, Tiến sĩ Pathak nêu rõ “Hôm nay là một ngày lịch sử trong năm lịch sử 2014, năm mà Thủ tướng Modi đã dành ưu tiên lớn nhất cho vệ sinh và môi trường, đặc biệt là xây dựng nhà vệ sinh bởi đây là biểu tượng của một quốc gia văn minh”. Ông Pathak cho biết, trong 30 năm qua, Tổ chức Dịch vụ xã hội quốc tế Sulabh (Sulabh Internatioanl Social Service Organisation), các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, cùng các tổ chức địa phương tại Ấn Độ đã nỗ lực xây dựng nhà vệ sinh công cộng.
Đại biểu Việt Nam và Afghanistan thắp nến tại lễ khai mạc “Lễ hội nhà vệ sinh quốc tế” tại New Delhi. |
Cho đến nay, Sulabh đã xây dựng được hơn 8.000 toilet công cộng tại những nơi quan trọng trên cả nước cho khoảng hơn một triệu lượt người sử dụng hàng này. Chính phủ Ấn Độ đã cấp 3,27 crore rupee (1 crore=10 triệu rupee) cho Sulabh xây dựng 5 tổ hợp nhà vệ sinh kết nối với các nhà máy khí sinh học tại thủ đô Kabul của Afghanistan, với sự phối hợp của chính quyền thành phố này. Sulabh cũng tham gia xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các nước khác ở Nam Á, trong đó có Nepal, Bhutan, Sri Lanka… Tuy nhiên, tại Ấn Độ cũng như các nước đang phát triển khác, thiếu nhà vệ sinh vẫn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Thậm chí ngày nay có tới 70% số người ở nông thôn không có nhà vệ sinh an toàn và sạch sẽ. Tình trạng thiếu cơ sở vệ sinh này đã gây nên các loại dịch bệnh, nhất là dịch tả và tiêu chảy.
Theo điều tra năm 2011, hơn 67% hộ gia đình ở nông thôn Ấn Độ không có nhà vệ sinh nên họ phải phóng uế ngoài trời. Tình trạng này đã gây nên những bức xúc trong xã hội và vấn đề tăng cường xây dựng nhà vệ sinh đã được đưa vào chương trình nghị sự chính trị, thậm chí cả trong cương lĩnh tranh cử của các chính đảng. Ngay sau khi lên cầm quyền ngày 26/5/2014, Thủ tướng Modi đã đưa vấn đề xây dựng nhà vệ sinh vào chương trình hành động “Clean India” (Làm sạch Ấn Độ), coi đây là một mục tiêu an sinh-xã hội trọng tâm. Ông kêu gọi mọi người dân Ấn Độ hãy cùng Chính phủ nỗ lực xây dựng nhà vệ sinh không chỉ ở lĩnh vực gia đình, mà cả tại những nơi công cộng ở các làng mạc, thành phố, đường phố, trường học, bệnh viện…sao cho đến dịp kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của Lãnh tụ Mahatm Gandhi vào năm 2019, đất nước Ấn Độ không phải bức xúc về vấn đề nhà vệ sinh nữa.
Theo chương trình “Làm làm sạch Ấn Độ” do Thủ tướng Modi phát động hồi tháng 9 vừa qua, Ấn Độ sẽ triển khai kế hoạch xây dựng khoảng 130 triệu nhà vệ sinh tại gia đình và 57.000 nhà vệ sinh trong các trường học, với vốn đầu tư khoảng 18 tỷ euro.
Trước đó, ngày 18/11, Tổ chức Sulabh cũng đã tổ chức mít tinh, tuần hành tại công viên Trung tâm ở thủ đô New Delhi, với sự tham gia của 900.000 học sinh từ 9 trường phổ thông Delhi, các đại biểu phụ nữ và các đoàn đại biểu đến từ các nước Afghanistan, Sri Lanka, Nepal, Bhutan. Những người tham dự đã trương cao biểu ngữ và mô hình toilet nhằm nâng cao ý thức của người dân đến vấn đề vệ sinh.
Minh Lý-Đăng Chính (P/V TTXVN tại New Delhi)