“Mỗi người đều có một sở thích điên rồ. Đối với tôi, đó là xe ô tô và đồng hồ”, U Thiri Thein Than, một người Myanmar yêu đồ hiệu và thường mua sắm đồ cao cấp ở nước ngoài, cho biết.
Tháng 3 vừa qua, Thein Than đã ghé thăm cửa hàng đồng hồ chính hãng đầu tiên của Công ty đồng hồ Thụy Sĩ Franck Muller vừa mở tại Yangon - cửa hàng thứ 44 của công ty này trên toàn cầu. Anh Thiri Thein Than đã mua một chiếc đồng hồ Master màu vàng ánh hồng có giá 33.500 USD. Được đồng nghiệp khen tặng, anh rất hãnh diện nói: “Đây là trang sức của tôi”.
Anh U Thiri Thein Than xem đồng hồ tại cửa hàng của Franck Muller tại Yangon. |
Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962, nền kinh tế của Myanmar trở nên trì trệ. Cho tới năm 2012, khi các cuộc bầu cử bước ngoặt mở ra những thay đổi chính trị và một làn sóng đầu tư nước ngoài, nền kinh tế quay trở lại đà tăng trưởng nhanh chóng. Lợi nhuận từ gỗ, khoáng sản, dầu mỏ và ngành công nghiệp khí đốt đã thúc đẩy thị trường bất động sản và ngành kinh doanh đồ dùng cao cấp, nhưng các nhãn hiệu quốc tế hầu như không tồn tại kể cả ở Yangon, trung tâm kinh tế của Myanmar.
Người dân Myanmar vẫn ưa chuộng những khu chợ lụp xụp - bán thịt tươi sống, các quán trà vỉa hè, nơi chi phí một bữa ăn đầy đủ với giá vẫn thấp hơn một cốc cà phê Starbucks. Nhưng vào năm 2015, nền kinh tế của đất nước đã tăng trưởng 7%/năm, so với mức 5,6% năm 2011. Những tòa nhà cao tầng và những trung tâm mua sắm lớn đua nhau mọc lên bên cạnh các tòa nhà cũ thời thuộc địa.
Những người tiên phong
Một số nhà phân tích cho biết những người có thói quen dùng hàng hiệu thường mua trực tuyến hoặc trong các chuyến du lịch Singapore, Thái Lan hay châu Âu. Nhưng một số thương hiệu sang trọng ở nước ngoài đang bắt đầu bán đồng hồ và hàng hóa xa xỉ khác ở thị trường Myanmar mới tinh này.
“Thật tuyệt khi có mặt ở đó ngay từ đầu. Và tất nhiên, đây là một sự đầu tư lâu dài”, Nicholas Rudaz, Giám đốc của Frank Muller, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ trụ sở chính của thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ.
Theo Công ty Bất động sản thương mại Colliers, Yangon dự kiến sẽ có gần 3,2 triệu mét vuông không gian bán lẻ vào cuối năm 2016, cao gấp 3 lần so với năm 2010. Song, con số trên vẫn là rất nhỏ so với 7,4 triệu mét vuông không gian bán lẻ của thủ đô Bangkok (Thái Lan) - trung tâm mua sắm lớn của Đông Nam Á. Ông Gregory Miller, một công ty dịch vụ tài chính trụ sở tại Bangkok có văn phòng tại Yangon, nhận định: “Không thể so sánh Myanmar với Lào và Campuchia, vì hai nước kia không giàu tài nguyên. Myanmar ‘sẽ giống Thái Lan nhiều hơn’”.
Nhu cầu dùng hàng xa xỉÔng Gregory Miller cho biết nhu cầu bán lẻ cao cấp sẽ không chỉ tới từ tầng lớp giàu có, mà cả từ tầng lớp trung lưu mới nổi và những người di cư Myanmar trở về nước để theo đuổi các cơ hội kinh doanh.
Hiện đã có những dấu hiệu của nhu cầu hàng hóa xa xỉ ở Myanmar: Ví dụ, Jaguar Land Rover, BMW và Mercedes-Benz đã mở showroom ở Yangon từ năm 2012, năm chính phủ nới lỏng các quy định về nhập khẩu ô tô. Một dấu hiệu nữa về sự tăng trưởng là sự xuất hiện của Swiss Time Square, công ty đồng hồ Thụy Sĩ mở năm 2013 tại khu Golden Valley thuộc Yangon. “Đeo đồng hồ Rolex giống như đi ô tô: Nếu bạn mua một chiếc xe BMW hay Mercedes, những người khác sẽ thấy rằng bạn là người giàu có”, Tay Zar Win Htoo, quản lý bán hàng của Swiss Time Square, nói.
Ivan Pun, một doanh nhân Myanmar có cha là ông Serge Pun, Chủ tịch Yoma Strategic Holdings, tiết lộ ông hiện đang làm việc với các thương hiệu quốc tế và sẵn sàng hợp tác với họ. Tuy nhiên, chưa có đối tác nào gấp rút cả vì Myanmar vẫn còn là một thị trường mới.