Geisha Nhật Bản, thời thiếu 'maiko'

“Cần: Những cô gái trẻ Nhật Bản sẵn sàng học múa và âm nhạc truyền thống. Công việc đòi hỏi khả năng giao tiếp với các doanh nhân tại các bữa tiệc. Thù lao tốt. Yêu cầu có kimono riêng”.


 

Rinka thắp nến chuẩn bị cho một nghi lễ của geisha ở Shimoda.

 

Mẩu quảng cáo trên đã “tóm tắt” những chương trình khá lặng lẽ của các hiệp hội geisha ở Nhật Bản nhằm tìm kiếm những thiếu nữ trẻ, tài năng, sẵn sàng theo đuổi con đường trở thành một thành viên trong “thế giới cành liễu” của các geisha ở Nhật Bản.


Theo ông Shisiguki Uetsuki, Giám đốc điều hành hiệp hội geisha ở Asakusa, một trong những khu vực giải trí lâu đời nhất ở Tôkyô, thì các geisha ngày nay có độ tuổi trung bình khá cao là khoảng 40, và họ đang thiếu trầm trọng các geisha tập sự, được gọi là “maiko”.


Asakusa, với những đường phố sáng ánh đèn lồng, từng là nơi sinh sống của 800 geisha trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng ngày nay, chỉ còn khoảng 50 thành viên thuộc Hiệp hội geisha Asakusa, và một ước tính của chính quyền cho thấy, số lượng geisha trên toàn Nhật Bản cũng chỉ còn xấp xỉ 1.000 người so với thời kỳ đỉnh điểm là 80.000 người vào năm 1928.


Geisha, theo sát nghĩa tiếng Nhật, là “người của nghệ thuật”, là những người sống bằng nghệ thuật, chứ không phải là vũ nữ, càng không phải là gái làng chơi như một quan niệm sai lầm. Họ được rèn luyện thuần thục nhiều kỹ năng khác nhau như thư pháp, giao tiếp, kể chuyện, chơi đàn samisen, nhảy múa trong chiếc áo kimono gò bó, hát các bài dân ca Nhật Bản, nghệ thuật trà đạo và chuốc rượu... Một geisha thành công phải là người biết phô diễn vẻ đẹp, sự duyên dáng, tài năng nghệ thuật và sự tinh tế trong ứng xử với mọi người.


Trước kia, các geisha thường có gốc gác là những em bé gia đình nghèo khó, được đưa tới làm việc trong các trà ốc, sau khi đạt đến một trình độ nhất định sẽ trở thành “maiko” và tiếp tục được rèn luyện khắt khe để trở thành một geisha thực thụ.


Nhưng xã hội Nhật Bản hiện đại, với đời sống kinh tế thịnh vượng hơn cùng với những xu hướng giải trí mới, đã khiến ngày càng ít các cô gái muốn theo đuổi nghề geisha, vốn đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn sự kiên trì và khắt khe cao độ. Hầu hết những người được tuyển đều đã ở cuối tuổi teen hoặc độ tuổi 20, và nhiều người trở thành geisha chỉ vì không hài lòng với những công việc khác.


Các quan chức hiệp hội geisha thường than phiền rằng, việc tuyển các cô gái trẻ để đào tạo bây giờ là quá khó khăn, còn bởi một lý do là geisha “thực thụ” thường bị đánh đồng với geisha “giả”, hay còn gọi là geisha “hồng” hay geisha “gối” -đang dần chiếm đa số trong thế giới geisha nói chung.


Ở nhiều nơi, chính quyền các địa phương đã phải hỗ trợ cho các chương trình đào tạo geisha để bảo tồn một nghề mang đậm bản sắc văn hóa Nhật Bản này. Rinka là một “maiko” được hưởng chương trình trợ cấp như vậy, cho dù cô là một maiko đặc biệt. Rinka là người Trung Quốc, sinh ra tại Thẩm Dương với tên tiếng mẹ đẻ là Zhang Xue trước khi chuyển tới Nhật năm 14 tuổi, với hy vọng tìm được một chỗ đứng trong thế giới geisha có truyền thống lâu đời của Nhật Bản.


Cô hiện sống tại thành phố cảng Shimoda, cách Tôkyô 200 km về phía tây nam. Rinka đã phải cật lực làm thêm giờ để có tiền trang trải cho những năm tháng tập luyện làm geisha, trước khi được tham gia một chương trình huấn luyện đặc biệt từ tháng 9 năm ngoái, do chính quyền thành phố hỗ trợ kinh phí.


Hiện nay ở Shimoda, chỉ còn lại vỏn vẹn 7 geisha, bao gồm cả Rinka, so với con số gần 300 người vào thập niên 1950. Mặc dù geisha Shimoda không nổi tiếng so với các đàn chị ở cố đô Kyoto, nhưng chương trình huấn luyện họ cũng không kém phần khắc nghiệt. Rinka phải tập luyện năm ngày mỗi tuần với đủ các kỹ năng biểu diễn truyền thống như hát, múa, chơi nhạc cụ…


Chính quyền Shimoda đang hy vọng, bằng cách hỗ trợ huấn luyện cho các geisha như Rinka, qua đó họ sẽ thúc đẩy được ngành công nghiệp du lịch. Nhưng bất chấp những nỗ lực đó, ngành “công nghiệp” geisha vẫn rất ảm đạm. Kanoya Kenban, nơi điều hành Rinka và các geisha khác ở Shimoda, chỉ có một hoặc hai khách hàng mỗi tháng, với phí từ 19.000 yên (240 USD) cho mỗi buổi phục vụ. Thậm chí trong những mùa cao điểm cuối năm, Kanoya cũng chỉ nhận được không quá 10 cuộc gọi đặt phục vụ mỗi tháng.


Trong khi đó, mục tiêu lâu dài của Rinka không phải là gắn bó với mảnh đất truyền thống của các geisha. Cô mơ ước được đưa văn hóa geisha trở lại quê hương nhằm giúp người Trung Quốc hiểu hơn về truyền thống của Nhật Bản.



Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN