Độc đáo những công trình xanh bằng tre ở Bali

Nhờ đặt tính dẻo dai, nhẹ mà lại rẻ hơn cột bằng thép, cây tre hầu như xuất hiện ở mọi nơi tại châu Á đang được sử dụng làm một loại vật liệu xây dựng phổ biến.

 

Du khách thăm một tòa nhà bằng tre ở Bali. Ảnh: Internet

 

Người dân trên đảo Bali đã biến cây tre thành một biểu tượng xây dựng bền vững, thay thế các tòa nhà bê tông cốt thép bằng những ngôi nhà “xanh”.

 

Chỉ với cây tre, người Bali có thể xây dựng được cả một trường học, những biệt thự sang trọng hay thậm chí cả một nhà máy sản xuất sôcôla bằng khung tre.

 

Nhà máy sôcôla vừa mở cửa năm 2011, chuyên sản xuất đồ uống hữu cơ, sôcôla và bơ côca. Đây là công trình mới nhất trong hàng loạt công trình tre trên đảo Bali. Nhà máy được dựng lên ở làng Sibang Kaja, nằm giữa thủ phủ Denpasar của đảo và khu rừng Ubud dưới sáng kiến của công ty thực phẩm Big Tree Farms. Với diện tích 2.550 mét vuông, nhà máy là công trình bằng tre lớn nhất trên thế giới.

 

Anh Ben Ripple, đồng sáng lập công ty Big Tree Farms, cho phóng viên hãng tin AFP biết: “Tre là vật liệu xây dựng bền vững không có đối thủ. Những gì tre có thể làm được thật đáng kinh ngạc. Nó lớn nhanh hơn các loại cây gỗ và không phá hủy đất đai nơi chúng mọc lên”. Anh Ripple cho biết, nhà máy của anh có thể thu dọn và di dời chỉ trong vài ngày. Nêu nếu có đóng cửa trong tương lai thì nhà máy cũng sẽ không phá hủy đất trồng lúa nơi nhà máy được dựng lên. 100 hécta đất ruộng thuộc nhà máy được gọi là “tam giác tre” với ba góc tam giác là nhà máy, trường học và biệt thự.

 

Trong bối cảnh các nghiên cứu cho thấy, ngành xây dựng là một trong những ngành kém bền vững nhất trên thế giới, chiếm khoảng một nửa tài nguyên không thể tái chế của Trái Đất, những công trình xây dựng xanh như ở Bali đang dần chiếm ưu thế trên thế giới. Đây cũng sẽ là một trong những chủ đề thảo luận chính tại hội nghị của Liên hợp quốc về phát triển bền vững diễn ra ở Rio de Janeiro (Braxin) vào 20/6 tới. Ở làng Sibang, những ngôi nhà tre mái rạ trông như mọc thẳng lên từ lòng đất.

 

Nhà máy sôcôla 3 tầng được lắp ghép bằng một hệ thống giàn kèo và bu lông phức tạp nhờ một kiến trúc thông minh. Nó giống như nhà dài truyền thống trên đảo Borneo và được làm từ hơn 18.000 mét tre lấy từ đảo Bali và Java.

 

Tại trường học Xanh gần đó, 240 học sinh được học trong những lớp học mở với bàn ghế đều làm bằng tre. Ngôi trường này mở cửa năm 2008 với có 25 khu nhà tre. Khu nhà chính được dựng theo cấu trúc nhà sàn với 2.500 cọc tre.

 

Ông Ben Macrory, hiệu trưởng trường Xanh, nói: “Ở Trung Quốc, họ dùng giàn giáo tre để dựng những tòa nhà chọc trời bằng bê tông và kính. Nhưng ở đây, công nhân lại đứng trên giàn giáo thép để xây tòa nhà bằng tre này”.

 

Ở nhiều nơi tại châu Á, tre bị coi là vật liệu của người nghèo. Nhưng ở Sibang lại khác, những biệt thự bằng tre ẩn mình dưới cánh rừng cọ có giá từ 350.000 đến 700.000 USD.

 

Theo nghiên cứu, một khúc tre ngắn với diện tích 10 cm2 có thể chịu được lực từ một con voi nặng 5 tấn. Ngoài đặc tính dẻo dai, tre còn rất thân thiện với môi trường do nó lớn nhanh như thổi. Một cây tre có thể cao từ 6 đến 10 mét chỉ trong vòng một năm, trong khi chừng ấy thời gian, bạch đàn chỉ cao từ 3 đến 4 mét. Hơn nữa, sau khi bị đốn hạ, tre không chết mà mầm măng mới sẽ tiếp tục mọc từ gốc tre.

 

Dù nhiều đặc tính ưu việt như vậy, nhưng nếu không được xử lý kỹ lưỡng, tre dễ bị mối mọt sau khi dính nước. Tre cũng dễ bắt lửa và đó là lý do vì sao những công trình bằng tre hầu như chỉ là những công trình thấp tầng.

 

Anh Ripple thừa nhận một số điểm yếu của tre nhưng bày tỏ hi vọng rằng sẽ có nhiều công nghệ để bù lại những điểm yếu đó của tre. Anh nói: “Có người làm việc ở chỗ chúng tôi nói rằng tre cần một cái mũ, áo mưa và ủng. Chúng tôi đang thiếu áo mưa cho tre và chúng tôi đang tìm kiếm vật liệu không độc hại để bảo vệ các công trình tre”.

 

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN