Tác động của COVID-19
Ở Mỹ, 35% người ngủ chưa đến 7 tiếng mỗi đêm. Khoảng 50 - 70 triệu người bị mất ngủ hoặc gặp các vấn đề về giấc ngủ khác. Trên thực tế, các bác sĩ thường khuyên chúng ta nên ngủ hơn 7 tiếng/đêm. Đối với thanh thiếu niên, thời gian ngủ là hơn 8 tiếng. Tuy nhiên, khi bị nhiều vấn đề chi phối, ví dụ sử dụng quá nhiều điện thoại di động và đặc biệt là từ sau đại dịch COVID-19, khiến ít ai ngủ đủ.
Trong thị trường nhiều người thiếu ngủ rộng lớn như vậy, các chuỗi khách sạn của Mỹ đã tung ra loại hình du lịch ngủ.
Đầu năm nay, khách sạn Park Hyatt New York (Mỹ) đã khai trương “Bryte Restorative Sleep Suite”, một dãy phòng rộng 900 m2 với đầy đủ các tiện nghi nhằm cải thiện giấc ngủ, trong khi khu Khách sạn và Nghỉ dưỡng Rosewood gần đây đã tung ra một loạt không gian riêng có tên là “Alchemy of Sleep”, vốn được thiết kế để “hướng đến nghỉ ngơi”.
Đây được gọi là loại hình nghỉ dưỡng với mục tiêu đem đến cho khách hàng một không gian riêng để loại bỏ những căng thẳng, áp lực cuộc sống hằng ngày - đồng thời đánh thức tất cả các giác quan của khách lưu trú bằng những trải nghiệm tuyệt vời và thú vị. Theo đó, dịch vụ bao gồm những hoạt động trải nghiệm - giải trí như: tập Thái cực quyền, thiền tịnh trên bãi biển, leo núi, đạp xe hay làm vườn, đánh bắt cá, học chèo thuyền thúng, pha chế cocktail - nấu ăn...
Xu hướng trên không chỉ xuất hiện ở Mỹ. Zedwell, khách sạn tập trung vào giấc ngủ đầu tiên của London (Anh), có các phòng được trang bị hệ thống cách âm hiện đại, khai trương vào đầu năm 2020. Một năm sau, nhà sản xuất giường Thụy Điển Hastens đã thành lập khách sạn Sleep Spa (ngủ và làm đẹp) Hästens, một khách sạn nhỏ cao cấp gồm 15 phòng tại thành phố Coimbra của Bồ Đào Nha.
Tại sao giấc ngủ đột nhiên trở thành trọng tâm lớn như vậy đối với ngành du lịch? Tiến sĩ Rebecca Robbins, một nhà nghiên cứu về giấc ngủ và đồng tác giả của cuốn sách “Ngủ để thành công!” tin rằng sự thay đổi này đã có từ lâu, đặc biệt là đối với các khách sạn.
Bà Rebecca cho biết: “Trước đây, khi nói đến vấn đề này, khách du lịch thường đặt phòng khách sạn là để có chỗ ngủ và ngành khách sạn khi đó không quan tâm đến việc cải thiện giấc ngủ. Mọi người thường đi du lịch và ăn những bữa ăn thịnh soạn, tới những điểm tham quan và vui chơi giải trí. Điều đó thực sự gần như phải trả giá bằng giấc ngủ. Nhưng giờ đây, tôi nghĩ rằng vừa có một thay đổi ‘mang tính địa chấn’ lớn trong nhận thức chung, đó là ưu tiên cho sức khỏe và hạnh phúc”.
Đại dịch toàn cầu dường như đã đóng một vai trò rất lớn trong xu hướng này. Một nghiên cứu với 2.500 người trưởng thành được công bố trên Tạp chí Y học về giấc ngủ lâm sàng cho thấy 40% phát hiện ra chất lượng giấc ngủ của họ bị giảm sút kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.
Ưu tiên cho giấc ngủ
Nhà thôi miên trị liệu và là chuyên gia về giấc ngủ Malminder Gill cũng nhận thấy có sự thay đổi về thái độ đối với giấc ngủ. “Mọi thứ dường như đang hướng tới tuổi thọ và tôi nghĩ điều đó đã thực sự thúc đẩy xu hướng trên. Bởi vì không có gì ngạc nhiên khi giấc ngủ là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Thiếu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề trong cơ thể và cho sức khỏe tinh thần như lo lắng, trầm cảm, tâm trạng kém và thất thường cùng với sự mệt mỏi”, chuyên gia Gill nói.
Nhà thôi miên trên đã hợp tác với khách sạn Cadogan ở London để tạo ra một dịch vụ đặc biệt dành cho những khách lưu trú có vấn đề về giấc ngủ được gọi là “Dịch vụ hỗ trợ khách hàng khi ngủ”. Dịch vụ này bao gồm một bản ghi âm giúp dễ ngủ, danh sách các loại gối với các tùy chọn phục vụ cho những khách thích nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi ngủ, lựa chọn chăn có trọng lượng khác nhau, trà giúp ngon giấc và xịt gối thơm.
Các loại chương trình và không gian giành riêng cho giấc ngủ do các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cung cấp cũng có xu hướng khác nhau, khi những cơ sở khác nhau tiếp cận khái niệm này theo những cách khác nhau. Ví dụ khách sạn sang trọng Six Senses (Tây Ban Nha) cung cấp nhiều chương trình ngủ đủ giấc từ 3 đến 7 ngày trở lên tại một số cơ sở kinh doanh, trong khi Brown’s Hotel thuộc tập đoàn khách sạn Rocco Forte ở Mayfair (London) mới ra mắt chương trình “Forte Winks” với trải nghiệm hai đêm đặc biệt nhằm giúp khách “đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng và sảng khoái”.
Đối với chuyên gia về giấc ngủ Gill, sự xuất hiện ngày càng nhiều những trải nghiệm kiểu này là dấu hiệu cho thấy thức khuya để hoàn thành công việc đang bị lỗi thời và mọi người bắt đầu hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của giấc ngủ.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những trải nghiệm du lịch tập trung vào giấc ngủ trong thời gian ngắn có thực sự tác động lâu dài đến giấc ngủ tổng thể của một người hay không? Theo Tiến sĩ Rebecca, trải nghiệm du lịch tập trung vào “chiến lược ngủ lành mạnh” có thể cực kỳ có lợi, miễn là một chuyên gia khoa học hoặc y tế có uy tín tham gia theo một cách nào đó để hỗ trợ.
Bà Rebecca lưu ý: “Nếu có người tham gia một gói du lịch ngủ nhưng không thấy cải thiện thì đó có thể là do họ mắc chứng rối loạn giấc ngủ không được điều trị. Đó là lý do tại sao điều cực kỳ quan trọng là cần đảm bảo rằng các khách sạn đang hợp tác với các nhà khoa học và chuyên gia y tế để có thể truyền đạt các chiến lược này một cách cẩn thận”.
Tập đoàn khách sạn Mandarin Oriental đã tiến thêm một bước bằng cách hợp tác với CENAS, một phòng khám y tế tư nhân về giấc ngủ ở Thụy Sĩ. Họ chạy một chương trình ba ngày nhằm nghiên cứu các kiểu ngủ của khách qua đó xác định các rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn.
Mặc dù hiện tại phần lớn các cơ sở và trải nghiệm tập trung vào giấc ngủ có xu hướng nằm trong lĩnh vực du lịch sang trọng, nhưng tiến sĩ Rebecca cho rằng tất cả các khách sạn và khu nghỉ dưỡng khác nên ưu tiên điều này vì có nhiều cách để thực hiện đối với từng cấp độ. Bà Rebecca kỳ vọng xu hướng du lịch ngủ sẽ giúp mọi người thực sự trẻ lại, giúp họ trở về nhà sảng khoái, sức khỏe được hồi phục.