Có một người đã yêu Việt Nam như thế...

Mẹ tôi đã kể về bà từ nhiều năm trước, sau một chuyến đi đến Italy. Mẹ bảo chưa thấy ai ở Italy lại yêu Việt Nam đến thế. Đấy là một người phụ nữ đã dành một phần cuộc đời mình để nghiên cứu về Việt Nam. Chính niềm đam mê Việt Nam của bà đã đưa đất nước tưởng như xa xôi, với cái tên gắn liền với một cuộc chiến ấy, đến Italy này.

Bà Sandra Scagliotti và tác giả.


Cả một đất nước trong một căn nhà, đúng hơn là một thư viện, một phòng làm việc và những sảnh trong căn nhà ấy. Bước vào đó, người ta cứ ngỡ mình đang đứng trước núi đồi, những cánh rừng, thành phố, làng mạc, ngôn ngữ, lịch sử, con người... của một đất nước mà rất nhiều người Italy chỉ biết đến nhiều hơn với tư cách là một cuộc chiến, Việt Nam. Rất nhiều sách, tranh, ảnh, những đồ lưu niệm, và trên hết, là một không khí rất Việt Nam, gần gũi, thân thương mà đáng yêu biết bao.

Đấy là căn nhà của Sandra Scagliotti, lãnh sự danh dự của Việt Nam ở Turin, miền Bắc Italy, nơi mà không ít người Việt, từ học sinh, sinh viên, cho đến những đoàn công tác và một số Việt kiều ở nơi ấy coi đây như là nhà của chính họ. Cánh cửa sắt của căn nhà bề thế trên đường Campana ấy chưa bao giờ đóng lại với bất cứ ai là người Việt, dù quen hay không quen, khi đến Turin, và với những người Italy muốn tìm hiểu về Việt Nam. Một người bạn của Sandra bảo tôi, rằng bà "đã biến Turin thành thủ đô của Việt Nam trên đất Italy". Ông không quá lời. Những người Việt khác, không ít trong số đó đã trải qua nhiều thập kỉ sống ở đây, khẳng định rằng ngôi nhà của bà là một Việt Nam thu nhỏ. Hầu hết tất cả những sự kiện liên quan đến Việt Nam ở miền Bắc Italy đều diễn ra ở đấy, như những cái Tết đậm chất dân tộc mà hàng năm bà tổ chức cho cộng đồng người Việt cũng như những người bạn Italy của Việt Nam.

Trong những năm tháng sống và làm việc trên đất Italy, mỗi lần lên Turin, tôi thường hay ghé qua nhà bà, thích thú và ngưỡng mộ nhìn cái thư viện khổng lồ về Việt Nam với hơn 5.000 đầu sách cũ và mới, cũng như những cuốn tập san mang tên Mekong về văn hóa và con người Việt Nam mà bà cùng các cộng sự biên soạn dựa trên nhiều nguồn khác nhau đang để trên bàn làm việc của bà, và sau đó, trong những bữa tối, nói chuyện với bà một cách thân mật như những người trong cùng gia đình. Bà bảo, bà luôn cười khi ai đó không quen biết hỏi công việc của bà là gì: "Sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học chính trị, với luận văn về chiến tranh giải phóng và về phụ nữ Việt Nam, tôi tiếp tục nghiên cứu về đất nước và văn hóa Việt một cách say mê. Tôi đã luôn làm như thế từ đó cho đến giờ".

"Từ đó cho đến giờ" nghĩa là đã 40 năm, kể từ những năm 1970, khi Việt Nam là một cái tên được nhắc đến nhiều ở Italy trong giai đoạn ấy, khi hàng vạn người Italy ở nhiều nơi trên đất nước này đã xuống đường phản đối chiến tranh và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Tình yêu với Việt Nam đã bắt đầu với bà từ thời điểm ấy?

"Ở đại học, tôi bắt đầu đọc về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Và khi nhận ra rằng, văn học, văn hóa và lịch sử Việt Nam cũng quan trọng và đáng chú ý như cuộc chiến tranh, rằng nền văn hóa ấy vẫn sống mạnh mẽ dưới bom đạn, thì tình yêu với Việt Nam nảy nở". Nhưng trước Việt Nam là gì? Sandra bảo rằng, đam mê đầu tiên của bà là trượt tuyết, cho đến khi một chấn thương ở dây chằng đầu gối phải vào năm 1976 đã khiến bà từ bỏ những đường đua và tập trung vào nghiên cứu. Cái chân ấy bây giờ thỉnh thoảng vẫn đau, làm bà vẫn đi hơi tập tễnh, nhưng tình yêu với Việt Nam đã khỏa lấp tất cả và trở thành một động lực lớn lao để bà sống.

Bà luôn bảo, bà chỉ yêu "một người", đấy là Việt Nam. Mối tình đặc biệt ấy đã biến bà trở thành một con người cống hiến cho Việt Nam trên đất Italy, sau khi ra trường vào năm 1983. Một tờ báo Italy, khi viết về Sandra trong giai đoạn đặc biệt này, đã nhận xét rằng: "Đấy là khi một người phụ nữ hóa mình vào một đất nước. Bà bắt đầu thường xuyên đến Việt Nam, trong những chuyến đi dài hai đến ba tháng. Bà bắt đầu đọc những bài thơ của Hồ Xuân Hương".

Ý tưởng thành lập một trung tâm nghiên cứu về Việt Nam bắt đầu chính trong những năm tháng ấy, và thành hiện thực vào năm 1989, ở nhà của bà ngoại bà, tại quảng trường Madama Cristina. Ba năm sau, một thư viện sách chuyên khảo về Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng được thành lập, một bộ sưu tập lớn có giá trị và được xếp loại một cách nghiêm túc cho công việc nghiên cứu của Sandra và những người Italy quan tâm đến Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Mẹ tôi đã ở nhà bà trong những năm tháng ấy, và đến giờ vẫn còn ấn tượng mãi bởi cách bà đã nói một cách say mê về Việt Nam, đã đối xử và giúp đỡ hết lòng những người Việt mới chân ướt chân ráo đến Italy công tác, nhiều trong số đó cần một chỗ ở tạm, cần một bàn tay hỗ trợ, một sự quan tâm như trong gia đình.

Bây giờ, nhìn lại quan hệ Italy - Việt Nam đã lên một tầm cao mới, với quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập, không thể không nói rằng, chính những người như Sandra, hay ông Pino Tagliazzucchi (1921-2005), một nhà nghiên cứu nổi tiếng khác về Việt Nam và đã từng biên soạn ra tiếng Italy những cuốn như “Điện Biên Phủ, ba nghìn ngày” (1969), "Ca dao Việt Nam" (2000), "Tiểu sử chính trị Hồ Chí Minh" (1890-1945)... là những người đã góp phần quan trọng, nhưng âm thầm, cho mối quan hệ ấy kết trái đơm hoa.

Sandra vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu của mình, làm một cầu nối về văn hóa và tri thức cho nước Italy với Việt Nam và từ lâu, bà đã trở thành một biểu tượng cho mối quan hệ này. Từ năm 2009, bà trở thành lãnh sự của Việt Nam ở Turin, là một trong số rất ít những người nước ngoài được bổ nhiệm vào vị trí này ở châu Âu, một công việc mà bà bảo là "bận, nhưng vui và rất vinh dự". Bận bịu với công tác ấy, nhưng Sandra vẫn đêm ngày nghiên cứu. Những công trình nghiên cứu về Việt Nam của bà, nay đã lên con số hàng chục, vẫn tiếp tục ra đời.

Bà chỉ yêu "một người", đấy là Việt Nam. Mối tình đặc biệt ấy đã biến bà trở thành một con người cống hiến cho Việt Nam trên đất Italy.

Đã có nhiều bài viết về bà trên các báo trong nước. Nhưng tôi vẫn nghĩ, viết về bà là một điều mà tôi không thể không làm. Như một lời cám ơn về những gì bà đã làm để đưa Việt Nam đến với Italy, như một sự kính trọng và yêu mến với một người mà tôi coi như ruột thịt. Bà thân thiết với mẹ tôi lắm. Trong thư viện của bà vẫn luôn có một tấm ảnh chụp mẹ tôi khi ở nhà bà vào cuối năm 1990, và bà đã khóc khi gặp tôi ở Italy nhiều năm trước, khi biết tôi là con của một người bạn Việt Nam thân thiết của bà. Bà bảo tôi hãy gọi bà là "zia" (cô), và coi tôi như một người con cháu của bà. Tôi thích đến nhà bà, nói chuyện với bà, chơi với chú chó Oscarino to tướng, và trong những lúc trà dư tửu hậu, nghe chồng bà, ông Fulvio Albano, chơi một bản jazz ưa thích của ông với chiếc kèn saxophone.

Tôi ngưỡng mộ và yêu mến bà như một người ruột thịt, và luôn mong bà khỏe mạnh, luôn tràn đầy cảm hứng cho tình yêu lớn nhất của đời bà, Việt Nam...


Trương Anh Ngọc
(P/v TTXVN tại Italy)

Tình yêu Việt Nam của một người Séc
Tình yêu Việt Nam của một người Séc

Người đàn ông ấy rất dễ gần, chỉ gặp một lần là có thể thành bạn thân thiết. Bà con người Việt rất có cảm tình với ông dù có thể chưa biết đó là ngài Marcel Winter, Chủ tịch Hội Séc-Việt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN