Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) Robério Oliveira Silva nói rằng châu Phi đang trở thành thị trường tiêu thụ cà phê mới của thế giới. Theo thống kê của công ty nghiên cứu tiêu dùng Euromonitor (Anh), nhu cầu cà phê tại châu Phi đã tăng 20% trong 5 năm tính đến năm 2014, mặc dù sức tiêu thụ cà phê tại một số nước như Ethiopia hay tại những nước có xu hướng uống trà (trà vốn rẻ hơn so với cà phê) vẫn còn thấp.
Người dân châu Phi bắt đầu trải nghiệm “văn hóa uống cà phê”. |
Thực tế, thị trường tiêu thụ trong nước tăng vững cũng phần nào mang lại chỗ dựa nhất định cho người trồng cà phê một khi giá cả và nhu cầu trên thị trường toàn cầu biến động. Giá cà phê thế giới lên xuống thất thường trong vài năm trở lại đây, do phần nào bị chi phối bởi tình hình sản lượng cà phê của Brazil - quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới hiện nay.
Điểm qua tình hình tiêu thụ tại một số nước châu Phi, có thể thấy sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đã giúp cho phong trào uống cà phê đi lên tại các nước như Cameroon, Côte d'Ivoire, Kenya và Uganda. Theo Hiệp hội giao dịch cà phê Kenya, tiêu thụ cà phê tại nước này đã tăng 46% trong vòng bốn năm tính tới năm 2014. Trong khi đó, Martin Maraka, Giám đốc dự án thuộc Hiệp hội cà phê chất lượng có trụ sở tại Uganda, cho hay nhu cầu cà phê tại nước này đang tăng vọt. Hơn nữa, giá cà phê cũng phải chăng và kênh phân phối hiện nay tốt hơn trước. Cách đây 10 năm, thủ đô Kampala của Uganda chưa hề có quán cà phê nào, song giờ đây tại nơi này đã có 30 - 40 quán chuyên phục vụ loại cà phê ngon nhất.
Mặc dù chiều hướng uống cà phê đang gia tăng tại châu Phi, song tiêu thụ mặt hàng này hiện vẫn thấp so với nhiều nước khác. Theo Ecobank có trụ sở tại Togo, trung bình hàng năm, mỗi người dân Ethiopia uống 2,5 kg cà phê, người Madagasca uống 1,28 kg và Côte d'Ivoire tiêu thụ 0,8 kg. Con số này vẫn còn khá “khiêm tốn” nếu so với mức tiêu thụ 6,2 kg cà phê/người mỗi năm tại nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là Brazil. Theo ước tính của ICO, người dân Italy và người dân Anh tiêu thụ lần lượt khoảng 5,8 kg và 2,8 kg cà phê/người mỗi năm.
Khi nhu cầu đang trên đà gia tăng, một câu hỏi được đặt ra là liệu lục địa này có thể trồng đủ cà phê để thỏa mãn người tiêu dùng hay không? ICO cho hay trong giai đoạn từ năm 1965 - 1988, châu Phi từng dẫn đầu về trồng cà phê, trong đó tám nước tại lục địa này nằm trong số 20 nước trồng cà phê lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Hiện nay, ngoại trừ Ethiopia và Uganda, sản lượng cà phê của châu Phi giảm đáng kể mặc dù họ vẫn sản xuất ra loại cà phê ngon nhất thế giới. Một số công ty chế biến cà phê đang hướng sang châu Phi để tìm kiếm các hương vị cà phê mới. Sau bốn năm làm việc với nông dân ở Nam Sudan, công ty cà phê Nespresso - chi nhánh sản xuất cà phê chất lượng hảo hạng của tập đoàn tiêu dùng Nestlé Group có trụ sở tại Thụy Sỹ - trong tháng 10 này đã giới thiệu một loại cà phê mới được chế biến từ hạt cà phê của Nam Sudan. Đây cũng là những hạt cà phê xuất khẩu đầu tiên của Nam Sudan.
Ngành cà phê châu Phi đang phát triển, nhưng vấn đề lớn đối với ngành này là năng suất. Năng suất trồng cà phê của châu Phi hiện vẫn ở mức thấp. Theo thống kê mới nhất của ICO, Ethiopia thu hoạch được 13 bao/ha/năm (1 bao=60 kg) và Uganda thu hoạch khoảng 12 bao/ha/năm, thấp hơn rất nhiều so với con số 100 bao/ha/năm ở một số vùng tại Brazil. Một thách thức nữa đối với sản lượng cà phê của châu Phi là tốc độ đô thị hóa nhanh và giá trị đất đai gia tăng. Thêm vào đó, bản chất lên xuống thất thường của giá nông sản cũng như nhu cầu bất động sản tăng vọt đã khiến một số người trồng cà phê phải từ bỏ và bán đồn điền cà phê.
Dẫu còn đối mặt với nhiều thách thức, song các quan chức ngành cà phê châu Phi vẫn lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển của ngành này. Họ hy vọng việc “lục địa Đen” trở thành thị trường tiêu thụ mới có thể tiếp thêm động lực cho những người trồng cà phê trong khu vực.