Theo hãng tin Reuters, các sinh viên phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt để đảm bảo không bùng phát dịch bệnh khi các trường cho sinh viên lên lớp và quay lại ký túc xá.
Cụ thể, sinh viên tại các thành phố như Bắc Kinh, Nam Kinh và Thượng Hải cho biết các em phải nộp lịch trình di chuyển chi tiết cho nhà trường và chỉ được phép ở trong khuôn viên trường.
“Nhưng chúng em chưa được thông báo về quy trình nộp đơn cụ thể hoặc lý do gì được cho là thích hợp để xin phép ra ngoài”, một sinh viên Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho hay. Trước đó, tài khoản xã hội chính thức của trường có viết một thông báo sinh viên trường cần phải nộp đơn xét duyệt khi muốn ra khỏi khuôn viên trường học.
Theo giới chức y tế, thách thức được đặt ra khi các sinh viên quay trở lại trường học là hiện có trên 20 triệu sinh viên Trung Quốc và phần lớn các em sống trong phòng ký túc xá sinh hoạt chung. Quan chức thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết các biện pháp đảm bảo an toàn mặc dù không bắt buộc đối với các trường đại học song sinh viên cũng không nên rời khỏi khuôn viên trường nếu không cần thiết.
Các tài liệu của chính phủ cho thấy hàng chục trường đại học đã đặt hàng hệ thống giám sát “kiểm soát bệnh dịch” qua công nghệ nhận diện khuôn mặt, theo dõi người tiếp xúc và đo thân nhiệt. Nhiều hệ thống với hàng chục camera có thể thu thập dữ liệu gương mặt và nhiệt độ, cũng như hệ thống thông báo yêu cầu sinh viên nhập thông tin nhiều lần mỗi ngày.
“Bỗng chốc chúng em phát hiện hàng chục chiếc camera được gắn trong tòa nhà ký túc, mỗi tầng 6 cái”, một sinh viên giấu tên đang học tại Đại học Bắc Kinh chia sẻ. “Giống như có ai dõi theo bạn từ lúc bạn tỉnh giấc cho đến lúc đi ngủ”, một sinh viên khác họ Mai phát hiện ra camera trong tầng ký túc khi quay trở lại trường học tháng này.
Đại học Khoa học Kỹ thuật Liêu Ninh đã mất 429.000 nhân dân tệ (1,4 tỷ đồng) để trang bị một hệ thống nhận diện khuôn mặt và đo được thân nhiệt nhằm phát hiện những ai không đeo khẩu trang. Hệ thống này có thể tổng hợp báo cáo thân nhiệt hàng ngày và lưu dữ liệu thân nhiệt của sinh viên trong 30 ngày.
Trong khi đó, đại học Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) cũng đã chi 158.000 NDT (534 triệu đồng) để mua hệ thống có khả năng theo dõi và lưu dữ liệu về việc di chuyển của sinh viên bằng cách sử dụng số căn cước và công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Đại học Sư phạm Thiên Tân cài đặt hệ thống thu thập thông tin chi tiết về gia đình sinh viên, địa chỉ những nơi các em đến bên ngoài khuôn viên trường và cách thức các em về trường. Hệ thống này có thể gửi lời nhắc đến sinh viên và giáo viên chăm chỉ khai báo. Những người không tuân thủ có thể bị nhà trường đánh dấu.
Nhiều sinh viên cho biết quy định mới mà các trường đặt ra sau mùa dịch còn gây thách thức đối với cuộc sống cá nhân của các em. Sinh viên trường đại học Nam Kinh cho biết các em rất chật vật khi phải đặt giờ sử dụng nhà tắm do tiến hành các đợt khử trùng.
“Rất nhiều sinh viên không thể tắm rửa”, một sinh viên họ Lưu tiết lộ em đã phải tắm “chui” khi không đặt được lịch phòng tắm.
Một số sinh viên lo ngại công nghệ giám sát mới sẽ vẫn còn hoạt động ngay cả khi đại dịch kết thúc. "Em nghĩ sinh viên phần nào lo lắng, nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận điều đó", sinh viên Mai ngậm ngùi.
“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”
Link tải về ứng dụng Bluezone: trên
Android; trên
iOS
Xem hướng dẫn cài Bluezone
tại đây