Thị trưởng Barcelona Ada Colau thổ lộ: “Điều này khiến chúng tôi “nóng mặt”. Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng và chu đáo, công dân Barcelona thì mở rộng cánh tay chào mừng. Ấy vậy mà họ không hề đến đây”.
Người dân Barcelona tuần hành hôm 27/2 cùng chiếc thuyền cứu sinh tượng trưng cho sự hỗ trợ của họ với người di cư. Ảnh: AFP |
Trong khi các bộ trưởng Nội vụ châu Âu tập trung tại Brussels (Bỉ) vào ngày 25/2 để cùng tìm ra phương hướng giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang nhức nhối trong khối thì Barcelona lại có riêng kế hoạch có tên “Thành phố tị nạn Barcelona”.
Khi bà Colau công bố kế hoạch ban đầu vào tháng 8, hàng trăm người dân thành phố ven biển đã đổ về tòa thị chính với ý muốn được cộng tác hỗ trợ. Kế hoạch nhanh chóng được các thành phố khác của Tây Ban Nha theo bước như Madrid, Valencia và Cadiz.
Trước sự đồng lòng đầy nhân ái này, chính quyền Tây Ban Nha đã đồng ý tăng tiếp nhận người nhập cư lên 17.680 người. Ban đầu quốc gia Nam Âu này chỉ dự định chỉ nhận 2.749 người.
Pascale Coissard, đại diện Ủy ban hỗ trợ tị nạn Tây Ban Nha tại Catalonia cho biết: “Kể từ đó đến nay, mới chỉ có 18 người đến Tây Ban Nha, đây là một con số nực cười”. Được biết cơ quan này đã rậm rịch chuẩn bị trong 4 tháng để đón lượng lớn những người tị nạn đến từ Syria, Iraq, Afghanistan và Eritrea. Cơ quan này thậm chí còn mở rộng số cơ sở đón tiếp người tị nạn ở Catalonia từ 10 lên 41 địa điểm.
Trong khi đó, chi nhánh của Tổ chức Chữ Thập Đỏ ở Catalonia lại tuyển thêm nhân viên xã hội, người phiên dịch và nhân viên tư vấn đồng thời mở ra 3 trung tâm với 200 địa điểm xử lý các tình huống khẩn cấp.
Oscar Barbero, nhân viên tại một trong những chi nhánh trên của Tổ chức Chữ Thập Đỏ bộc lộ: “Chúng tôi đã sẵn sàng. Tuy nhiên chúng tôi đang phải làm việc một cách vô định bởi không hề biết đích xác bao giờ họ sẽ đến, họ đến như thế nào và sẽ có bao nhiêu người”.
Vấn đề chính là chính phủ Tây Ban Nha “không hề cung cấp nhiều thông tin”, ông Ignasi Calbo, điều phối viên của kế hoạch “thành phố tị nạn Barcelona” nhấn mạnh.
Chính vì vậy trong vài tháng qua Barcelona đã cùng làm việc với những hiệp hội đại diện cho các thành phố châu Âu để hối thúc các hành động thiết thực và trực tiếp. Barcalona cũng đã có những thỏa thuận chia sẻ với các thành phố đang quá tải người di cư như Athens, Lesbos (Hy Lạp) hay Lampedusa (Italy).
Vào cuối tháng 9, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cùng thống nhất kế hoạch tái định cư cho 160.000 người di cư đang đổ về là Hy Lạp và Italy. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 600 người được đưa vào dự án.
Ông Calbo sau đó lo lắng nói: “Rồi sẽ đến thời điểm Barcelona thấy mệt mỏi, mất kiên nhẫn vì phải chờ đợi”.