Lợi nhuận từ kinh doanh di cư rơi vào túi ai?-Phần cuối

Với viễn cảnh cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu còn có khả năng kéo dài, các công ty nhỏ hơn cũng đang đua nhau nhảy vào thị trường này. Cuộc khủng hoảng di cư hiện nay là cứu cánh cho những khách sạn đang trên bờ vực phá sản khi họ giành được hợp đồng cung cấp phòng trọ cho người tị nạn.


Tại Đức, còn có một công ty còn chuyên cung cấp gói những vật dụng thiết yếu ban đầu cho người di cư bao gồm gường, ghế, bàn, dụng cụ làm bếp. Trong khi đó, các công ty an ninh cũng ăn lên làm ra nhờ hoạt động bảo vệ cho những trung tâm đón tiếp người tị nạn và đảm bảo những người này không bị các phần tử cực hữu tấn công.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cứu vớt những người di cư trên biển Địa Trung Hải ngày 23/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh những công ty kinh doanh chân chính, cuộc khủng hoảng di cư cũng đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức tội phạm. Ở Rome, hàng chục chính trị gia địa phương, các doanh nhân và tội phạm đã bị bắt giữ hoặc điều tra do các cáo buộc tham nhũng lớn trong quá trình tìm cách tìm kiếm các hợp đồng cung cấp nhà ở, lương thực cho người di cư. Nhà chức trách Italy mới đây đã thu được một đoạn điện đàm trong đó, các nghi phạm sung sướng so sánh lợi nhuận mà chúng kiếm được từ dịch vụ cung cấp cho người tị nạn không khác gì buôn ma túy mà lại không phải trăn trở đối phó với các rủi ro.

Có thể nói trong suốt chặng đường một người di cư rời bỏ quê hương để tới “miền đất hứa” châu Âu, những kẻ môi giới ban đầu là hứng chịu nhiều rủi ro hơn cả. Nhưng rủi ro cao thì lợi nhuận lại lớn. Rất nhiều người di cư tới được Đức tiết lộ họ đã phải trả những khoản tiền không rẻ cho những kẻ buôn người để có thể chạm chân tới đất châu Âu. Chẳng hạn, chi phí cho một chuyến tàu ngắn đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp là khoảng 2.000 euro/người. Ở cả hai đầu của chuyến hành trình, các công ty cung cấp các dịch vụ rất “chu đáo” như ở phía Thổ Nhĩ Kỳ là áo phao, túi nhựa để đảm bảo điện thoại luôn khô ráo. Còn ở đầu tiếp nhận Hy Lạp đó là những dịch vụ cung cấp lều bạt, ba lô cho chặng đường đi tiếp theo của người di cư. Tất nhiên là mọi thứ đều phải mua bằng tiền với giá không rẻ.

Nếu muốn đi xa hơn về phía Bắc, tới Hungary, những kẻ buôn người sẽ đòi thêm 250 euro/người để đưa họ từ biên giới tới thủ đô Budapest. Còn để tới được thành phố Munich, Đức, người di cư sẽ phải trả thêm 600-650 euro.

Giới chức an ninh cảnh báo những kẻ buôn người mà họ bắt được mới chỉ là những con tép còn những ông chủ thực sự vẫn an toàn. “Những tên tội phạm kiếm lời dựa trên nỗi tuyệt vọng của những người dân trốn chạy khỏi các cuộc xung đột hay nghèo đói đang thu về hàng triệu USD, những đồng tiền có thể được sử dụng để đút lót và tài trợ cho các loại tội phạm xuyên quốc gia nguy hiểm khác”, Juergen Stock, người đứng đầu Interpol cảnh báo.

Nhưng lợi nhuận từ làn sóng di cư cũng đang được “tầng lớp trên” hớt váng. Một năm trước, khi European Homecare từ chối một hợp đồng vận hành lán trại cho người tị nạn tại Áo, ngay lập tức, ORS, một công ty Thụy Sỹ đã tiếp quản. Và doanh thu mà công ty này thu được từ Thụy Sỹ, Áo và Đức trong năm ngoái trước khi bùng nổ làn sóng người tị nạn đã lên tới gần 100 triệu USD. Được biết, có cổ phần trong ORS là Equistone Partners Europe, một quỹ đầu tư có trụ sở tại London, Anh. Còn đứng sau quỹ này lại là ngân hàng Barclays Bank của Anh, cùng nhiều quỹ tài sản, hưu trí và công ty bảo hiểm giàu có khác có trụ sở tại châu Âu, Bắc Mỹ, vùng Vịnh và châu Á.

Thái Nguyễn (Theo AP)
Lợi nhuận từ kinh doanh di cư rơi vào túi ai?
Lợi nhuận từ kinh doanh di cư rơi vào túi ai?

Thời gian gần đây, hình ảnh những con tàu chở đầy người tị nạn vượt biển đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, thảm kịch lại là một cơ hội kiếm lời rất lớn với nhiều người khác, trong đó có cả các “ông lớn” tại châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN