Báo in Independent đình bản – “nạn nhân số hóa”

Tờ “The Independent” (báo Độc lập), đã ngừng xuất bản báo giấy từ ngày 26/3, chấm dứt lịch sử 30 năm tồn tại của tờ báo lớn nhất nhì nước Anh.

Chữ “Đình bản” bằng mực đỏ chiếm toàn bộ trang bìa số báo in cuối cùng khiến giới truyền thông cũng như độc giả có nhiều cảm xúc trái ngược nhau.

Trong ấn phẩm cuối cùng của báo in, Independent gửi lời nhắn tới độc giả: “Hôm nay báo in ngừng hoạt động, mực đã khô và tờ báo giấy không còn tồn tại. Nhưng khi một chương sách đóng lại, một chương khác sẽ mở ra, và tinh thần của ‘The Independent’ sẽ không bao giờ tắt”. Trước đó, tờ Independent Chủ nhật ngày 22/3 cũng đã ra số báo in cuối cùng.

Quyết định đình bản báo in The Independent được ông chủ tờ báo, tỷ phú gốc Nga Evgeny Lebedev, đưa ra hôm 12/2 vừa qua. Giải thích về quyết định gây sốc này, ông Lebedev nói rằng ngành công nghiệp báo chí đang thay đổi, và sự thay đổi đó “là do độc giả”. Ông chủ tờ báo 30 năm tuổi khẳng định sự lựa chọn của độc giả cho thấy tương lai của báo chí hiện đại là số hóa.

Báo điện tử “The Independent” thu hút tới 58 triệu lượt người đọc/tháng và hoạt động mạnh trên các mạng xã hội.


Trước đây, một số tờ báo và tạp chí lớn của Mỹ, như "CS Monitor", "US News & World Report", và mới đây nhất là "The New York Times" đã phải ngừng phát hành bản in do lượng phát hành sụt giảm và chuyển hướng tập trung phát triển báo điện tử. “The Independent” đã nối gót xu hướng này, trở thành nhật báo lớn đầu tiên của Anh chuyển hoàn toàn sang phát hành báo điện tử.

Theo số liệu của Cơ quan kiểm tra về số lượng phát hành báo (ABC), ngay trước khi ngừng phát hành, “The Independent” chỉ phát hành gần 56.000 bản/ngày. Trong khi vào giai đoạn 2010-2011, số lượng phát hành báo in ở mức hơn 180.000 bản in/ngày. Ở thời đỉnh cao, tờ báo này từng phát hành tới 400.000 bản in/ngày.

Rõ ràng, sự sụt giảm số lượng phát hành là nguyên nhân chính khiến báo in “The Independent” bị “khai tử”. Ngoài ra, một thông tin khiến giới chuyên gia rất chú ý là ông Lebedev quyết định bán tờ “i”, giản lược nội dung của báo in chính, cho tập đoàn báo chí Johnston Press trụ sở tại Scotland với giá 24 triệu bảng Anh.

Theo Johnston Press, lợi nhuận ròng của tờ “i” là 5,2 triệu bảng Anh. Tờ “i” có giá bán lẻ 40 cent ngày thường và 50 cent vào ngày thứ Bảy, số lượng phát hành đạt 275.000 bản/ngày. Giới phân tích đánh giá rằng không có tờ “i” trợ giúp, “The Independent” sẽ gặp không ít khó khăn trong thời gian tới.

Ông Lebedev, đã nhấn mạnh sự thay đổi lớn của “The Independent” không ảnh hưởng tới sự phát triển của báo, thay vào đó tập trung nâng cao chất lượng nội dung. Tuy nhiên, trong bài bình luận có nhan đề “Independent – nạn nhân đầu tiên của tương lai số hóa” của “The Guardian", nhà báo Steven Brill cho rằng vấn đề nội dung của báo điện tử cũng là một cuộc canh tranh rất gay gắt.

 “Nếu bạn muốn bán nội dung trực tuyến, bạn cần thứ để bán. Bạn phải đầu tư và mất tiền trong ngắn hạn bằng cách tăng cường chất lượng những thứ bạn làm. Chúng tôi có thể nói rằng, phải, tờ New York Times đang đạt được những kết quả này nhưng họ có hàng trăm hàng nghìn bài báo chất lượng trên bản điện tử. Độc giả không ngốc. Họ sẽ không mua thứ mà họ có thể có ở nơi khác. Họ chỉ mua những thứ mà họ không thể có được miễn phí ở những nơi khác”, Brill nói trong một cuộc phỏng vấn của Học viện Poynter. Doanh thu sau khi báo in bị “khai tử” của “The Independent” vẫn là bài toán khó giải khi xét tới lợi nhuận của quảng cáo trên báo điện tử có thể sụt giảm so với quảng cáo trên báo in trước kia, đặc biệt khi độc giả có thể đọc bài trên báo điện tử này mà không phải mất khoản phí nào.

Trần Minh
Dân số thế giới già đi chóng mặt
Dân số thế giới già đi chóng mặt

Nhóm người 65 tuổi và trên 65 tuổi toàn cầu được dự đoán tăng hơn gấp đôi vào năm 2050 trong bối cảnh nhóm dân cư lớn tuổi tiếp tục mở rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN