Mọi công dân Thụy Sĩ sẽ được hưởng trợ cấp?

Mỗi công dân Thụy Sĩ đều có quyền nhận được một khoản thu nhập hàng tháng ở mức 2.500 francs (tương đương 2.800 USD) từ phía Chính phủ, nếu như đề xuất này được thông qua vào mùa hè.

Đây là một trong năm dự luật được Chính phủ liên bang trình lên Quốc hội trước khi được đưa ra bỏ phiếu vào ngày ngày 5/6 tới. Nếu như được thông qua, Thụy Sĩ sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực thi chính sách trợ cấp cho dân vô điều kiện trên quy mô toàn quốc.

Ủy ban hành động ủng hộ đề xuất này gồm nhiều nghệ sĩ, nhà văn, các nhà tri thức, trong đó có nhà báo - chuyên gia chính trị Daniel Straub, cựu phát ngôn viên Chính phủ liên bang Oswald Sigg và rapper Franziska Schläpfer.

Mỗi công dân Thụy Sĩ có thể sẽ được nhận khoản trợ cấp cứng 2.500 francs/tháng.

Chính phủ ước tính chi phí để đáp ứng chính sách trợ cấp này sẽ rơi vào khoảng 208 tỷ francs/năm, trong đó 153 tỉ sẽ được trích từ tiền đóng thuế và 55 tỉ francs còn lại trích từ nguồn ngân sách hỗ trợ xã hội và bảo hiểm.

Nhiều người thuộc phe ủng hộ giải thích chính sách này được tạo ra nhằm mục đích phá vỡ mối liên kết giữa công việc và thu nhập, đảm bảo cho mọi người dân đều có một khoản tiền hàng tháng sinh hoạt cố định mà không còn lo lắng đến tình trạng thất nghiệp. Với những đối tượng dưới độ tuổi lao động như trẻ em thì sẽ nhận được 625 francs/tháng. Theo một cuộc khảo sát mới đây, phần lớn công dân Thụy Sĩ cho biết họ vẫn tiếp tục làm việc nếu như dự luật được thông qua. Trong 10 người thì có đến 8 người khẳng định sẽ tìm việc làm dù có nguồn trợ cấp hàng tháng hay không.

Ông Enno Schmidt - một trong những người ủng hộ dự luật khẳng định, trên thực tế với mức sinh hoạt khá đắt đỏ ở Thụy Sĩ thì khoản tiền 2.500 francs/tháng không thể đáp ứng đủ nhu cầu chi phí hàng tháng đối với một cá nhân. Chính vì vậy, người dân vẫn cần phải làm việc nếu như muốn cuộc sống thoải mái hơn. Ông Schmidt nhận định thay vì mọi người lười không chịu làm việc, thì chính sách trợ cấp toàn quốc sẽ khuyến khích công dân tự do hơn trong việc quyết định việc muốn làm. Anh Che Wagner đang học lấy bằng thạc sĩ tại Trường Đại học Zurich đồng thời làm nhân viên giao hàng bán thời gian cho một công ty pizza vui mừng bày tỏ “Tôi có một đứa con gái, và tất nhiên phải chăm sóc cô bé. Nếu như có thu nhập cơ bản hàng tháng, tôi vẫn phải làm việc, nhưng sẽ không phải chịu áp lực về mặt tiền bạc khi muốn nghỉ một tuần dành thời gian bên cạnh con gái”.

Tuy nhiên dự luật này cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều chính trị gia bảo thủ cùng các doanh nghiệp, ngân hàng lớn. Rudolf Strahm - một nhà kinh tế Thụy Sĩ giải thích việc áp dụng chính sách này sẽ làm cho những thanh niên trẻ không có động lực học nghề hay tìm kiếm việc làm. Lãnh đạo các doanh nghiệp tại Thụy Sĩ gọi đây là đề xuất “vùng đất hạnh phúc” - một sản phẩm của thế hệ trẻ chưa từng trải qua bất kì cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hay tình trạng thất nghiệp trên diện rộng.

Luzi Stamm - nghị sĩ Đảng Nhân dân Thụy Sĩ cho biết nếu như Quốc hội thông qua đề xuất này thì đây sẽ là một bước đi mạo hiểm vì Thụy Sĩ vẫn nằm trong khu vực Schengen - thỏa thuận giữa các quốc gia châu Âu về việc đi lại tự do giữa các nước. “Thật sự với một đất nước giàu có và chính sách mở rộng biên giới như Thụy Sĩ thì việc làm này không khác gì tự đâm đầu vào chỗ chết”.
Hồng Hạnh
Thụy Sĩ trở thành trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ
Thụy Sĩ trở thành trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ

Cơ quan kiểm soát thị trường tài chính Thụy Sỹ (FINMA) đã cấp phép cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), ngân hàng đầu tiên được phép cung cấp dịch vụ ngân hàng thương mại và các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ (NDT) ở Thụy Sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN