Thụy Sĩ có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới.
|
Đây là năm thứ 7 liên tiếp Thụy Sĩ giữ vị trí đầu bảng xếp hạng, mặc dù WEF vẫn cảnh báo nước này đang phải đối mặt với thách thức để duy trì được vị trí quán quân. Việt Nam được xếp thứ 56, nhảy hơn 10 bậc so với báo cáo trước đó.
Báo cáo trên đánh giá và xếp hạng tính cạnh tranh của 140 nền kinh tế dựa trên một bộ tiêu chí bao gồm bộ máy quản lý, luật pháp, chính sách và nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động của một quốc gia. Thụy Sĩ được đánh giá cao nhờ vào đổi mới sáng tạo, sự tinh tế và thị trường lao động hoạt động hiệu quả.
Nghiên cứu của WEF được xem là đánh giá chuẩn mực đối với sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Theo báo cáo, Singapore và Mỹ lần lượt giữ vị trí thứ hai và thứ ba trong bảng xếp hạng, trong khi Đức nhảy một bậc lên vị trí thứ tư và Hà Lan cải thiện được ba bậc lên vị trí thứ năm.
Tất cả 10 nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu đều thuộc nhóm các nền kinh tế có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người cao nhất thế giới, trong khi các nền kinh tế chót bảng thì có GDP đầu người trung bình mỗi năm dưới 1.000 USD. Đáng chú ý, Việt Nam được xếp thứ 56, nhảy hơn 10 bậc so với thứ hạng 69 trong Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2014-2015.
Trên phạm vi thế giới, báo cáo của WEF nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết phải cải cách ở các nước nếu muốn thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu theo xu hướng đi lên. Các tác giả của báo cáo cho rằng nếu thất bại trong những cải cách cơ cấu dài hạn để tăng năng suất và thúc đẩy năng lực kinh doanh sẽ làm tổn hại đến khả năng nền kinh tế toàn cầu có thể cải thiện đời sống, giải quyết tình trạng thất nghiệp liên tục ở mức cao và tạo ra khả năng đàn hồi thích hợp cho thời kỳ suy thoái kinh tế trong tương lai.