Ấn Độ:Trường học di động thắp ước mơ cho trẻ em nghèo

Vào một buổi chiều nóng bức, chiếc xe buýt màu da cam chầm chậm tiến vào một khu ổ chuột ở thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ. Chiếc xe dừng ở giữa những khu lều trại làm bằng vải dầu và gỗ. Lũ trẻ con chân đất ánh mắt sáng lên, vội chạy ào đến và vào trong xe.

Các em học sinh học bài trong trường học di động


Thứ làm cho lũ trẻ háo hức đến vậy chính là một trường học trên xe buýt. Chiếc xe rong ruổi khắp ngóc ngách đem con chữ đến tận nơi cho những đứa trẻ nghèo. Mỗi nơi, trường học di động dừng lại vài giờ để các cô giáo giảng bài cho các em.

Bố mẹ các em là lao động làm việc tại các công trình xây dựng, nhặt rác kiếm sống hoặc làm người giúp việc. Nghèo khó như vậy nên nhiều trẻ em ở đây chưa bao giờ đến trường hoặc là phải bỏ học giữa chừng. Nhiều em còn phải làm việc cật lực như bố mẹ để trả nợ nần.

Ông T.L Reddy, người sáng lập tổ chức CLAP - một tổ chức phi chính phủ điều hành trường học di động trên, nói: “Những trẻ em này không có thời gian đến trường, trừ khi trường học đến tận nơi các em ở”. Ông Reddy cho biết, lúc đầu CLAP dựng một chiếc lều tạm trong khu ổ chuột để dạy các em những kiến thức cơ bản. Sau đó, họ dần hình thành một trường học bên trong xe buýt để thu hút nhiều học sinh hơn.

Với 25 năm kinh nghiệm làm giáo viên, ông Reddy rất muốn làm một điều gì đó cho lũ trẻ nghèo khi chứng kiến hoàn cảnh của các em cách đây 10 năm. Sau khi tìm được đủ tiền tài trợ, ông và các đồng nghiệp bắt đầu mô hình trường học trên xe buýt cách đây 3 năm.

Bên trong chiếc xe buýt rất sáng sủa và sạch sẽ. Thành xe buýt được trang trí bằng chữ cái, số, tranh ảnh hoa quả, động vật vui mắt. Học sinh ngồi xung quanh khoảng trống trong xe và học với chiếc bảng con con để trong lòng. Có những ngày lớp học đông đến mức nhiều em phải ngồi cả xuống sàn xe.
Devi, một em bé 10 tuổi bỏ học lớp một giữa chừng cách đây 3 năm, rất thích lớp học. Em cho biết cô giáo giảng bài hay và ở đây không có ai đánh đập các em. Devi đi học khi không phải giúp bố nhặt rác. Em mơ ước sau này được làm cô giáo.

Còn Manjula, cũng 10 tuổi, khoe: “Giờ cháu có thể đọc và viết từ số 1 đến 200”. Cô bé muốn làm bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở khu ổ chuột giống mình.

Nói về mục đích của chương trình trường học di động, ông Reddy cho biết ông muốn trẻ em có đủ kiến thức để có thể vào học các trường nhà nước. Tuy nhiên, trường học xe buýt cũng gặp phải một số khó khăn. Theo ông Reddy, trở ngại lớn nhất là các em học sinh không thống nhất được giờ học cố định và không phải bố mẹ nào cũng muốn con đến trường.

Nhưng nhờ trường học xe buýt, đã có khoảng 40 em học sinh đã đủ điều kiện vào các trường chính quy. Và điều quan trọng hơn cả, trường học di động này là cơ hội học hành duy nhất của các em, cho dù mỗi ngày chỉ 2 tiếng đồng hồ.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN