Ngày 26/4, lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Beheiren, hay còn gọi là phong trào “Liên minh thị dân vì hoà bình cho Việt Nam”, đã được tổ chức tại Công viên Shiba ở thủ đô Tokyo. Buổi lễ là dịp để các thế hệ đã qua nhìn lại trang sử vẻ vang về phong trào cánh tả phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam của giới sinh viên, thanh niên Nhật Bản một thời.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Beheiren bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 24/4/1965, hai tháng sau khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam trên quy mô lớn. Tuy vừa mới ra đời nhưng Beheiren đã sớm tạo được tiếng vang ngay từ những ngày đầu nhờ sự tham gia rộng rãi của đông đảo người dân cũng như sự góp mặt của các nhân vật đồng sáng lập có ảnh hưởng lớn tại Nhật Bản thời kỳ đó như nhà văn Makoto Oda, triết gia Shunsuke Tsurumi và nhà văn Takeshi Kaiko.
Beheiren đã tiến hành nhiều hoạt động phản chiến phong phú và liên tục nhằm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Ngày 15/6/1969, Beheiren đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh lớn nhất ở Tokyo với sự tham gia của hơn 70.000 người. Phong trào đã phát triển với 350 nhóm hoạt động trải rộng trên khắp Nhật Bản. Phương thức hoạt động và tổ chức của Beheiren tạo ảnh hưởng to lớn đối với các phong trào công dân về sau và trở thành một hình mẫu cho các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc cho các nước bị áp bức thời kỳ đó.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Shohei Saheki nhấn mạnh kỷ niệm lớn nhất đối với ông là đã cùng với các lính Mỹ phản chiến đến một bệnh viện quân y ở Akasaka, Tokyo, tuyên truyền phản đối chiến tranh cho các thương binh Mỹ đang chữa trị tại đó cũng như kêu gọi các lính Mỹ rời bỏ quân ngũ. Đa số binh lính Mỹ đều hưởng ứng lời kêu gọi, ủng hộ phong trào phản chiến. Lúc đó, có tới 40-50 lính Mỹ rời khỏi bệnh viện. Khoảng 1 tháng sau thì bệnh viện đó đóng cửa.
Tại một góc nhỏ của công viên, những người tham dự buổi lễ đã hô vang những khẩu hiệu cách đây 50 năm: “Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam!”, “Việt Nam là của người Việt Nam”, “Chính phủ Nhật Bản không được bắt tay với Mỹ!”. Nửa thế kỷ đã qua nhưng không khí hào hùng của các chàng trai, cô gái Nhật Bản say mê lý tưởng quốc tế ngày nào vẫn còn sục sôi.
Không trực tiếp tham gia Beheiren nhưng ông Setsuo Kondoh lại có tình cảm đặc biệt dành cho phong trào phản chiến này. Theo ông Kondo, các thành viên Beheiren đã làm tất cả xuất phát từ tấm lòng dù họ không có ngân sách hoạt động và những việc Beheiren đã làm quả thực hết sức đáng ngưỡng mộ.
Những gì mà phong trào Beheiren mang lại đã góp một tiếng nói nhất định trong cuộc chiến dư luận chống lại hành động xâm lược của đế quốc Mỹ vào Việt Nam, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng đất nước của nhân dân Việt Nam. Ký ức 50 năm về Beheiren không chỉ là mốc son cho một thời kỳ rực rỡ của phong trào cánh tả ở Nhật Bản mà còn là hiện thân của chủ nghĩa quốc tế, tinh thần bác ái và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
TTXVN/Tin tức