Gian nan chống buôn lậu trong mùa nước nổi 

An Giang từ lâu được xem là một trong những địa bàn "nóng" về buôn lậu của cả nước.

Với đường biên dài gần 100 km, An Giang có 5 cửa khẩu (2 cửa khẩu Quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ), địa hình đồng ruộng bằng phẳng cùng nhiều sông, kênh rạch, đường mòn, lối mở thông rất thuận tiện cho việc qua lại biên giới cả đường bộ lẫn đường sông. Đặc biệt, khi mùa nước nổi tràn về, cuộc chiến chống buôn lậu của các lực lượng chức năng càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

Nhiều phương thức thủ đoạn 

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực biên giới của tỉnh An Giang đã vào mùa nước nổi, dọc theo các tuyến biên giới nước lũ dâng lên khá cao. Tại những địa bàn trọng điểm như: kênh Ngọn Cả Hàng (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú), dòng sông chung với nước bạn Campuchia ở thị trấn Long Bình (huyện An Phú); thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), gò Tà Mâu (phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc) và dọc tuyến Quốc lộ 91..., các đầu nậu và đối tượng vận chuyển hàng lậu thuê đã chuyển sang hoạt động ban đêm. Thủ đọan của chúng là chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển, lợi dụng nước lũ tràn đồng, sử dụng ghe máy phân khối lớn, chạy tốc độ cao để đưa hàng lậu từ bên kia biên giới vào địa phận An Giang rồi phân phối đi các nơi. 

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, vào thời điểm này, nhiều đoạn biên giới bị ngập sâu trong nước, lực lượng chống buôn lậu của đơn vị mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong việc tuần tra, kiểm soát. Các đối tượng lợi dụng tình hình này, dùng nhiều phương tiện khác nhau tuồn hàng hóa về Việt Nam để tiêu thụ. Mặt hàng buôn lậu chủ yếu vẫn là thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan, mỹ phẩm, quần áo cũ, vải khúc, phụ tùng xe ô tô, đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, vàng, gỗ, sản phẩm từ gỗ và hàng hóa tiêu dùng,… 

Hầu hết đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu, hàng cấm là người dân sống tại địa bàn biên giới bởi họ thông thạo địa hình, nắm chắc hoạt động của lực lượng chức năng,… Phương thức, thủ đoạn không có nhiều thay đổi nhưng các đối tượng thường xuyên đổi thời gian, địa điểm và cách thức giao - nhận hàng.

Hàng lậu được tập kết sát biên giới, chờ thời cơ thuận lợi, sau đó sử dụng các xe mô tô, ghe, xuồng máy có tốc độ cao hoặc thuê nhiều người đai vác lén lút vận chuyển theo các đường mòn lối mở, kênh rạch. Sau khi qua biên giới, hàng lậu sẽ nhanh chóng được cất giấu vào các kho hàng, chia nhỏ hoặc tập kết tại các nơi vắng vẻ, sau đó nhanh chóng chuyển lên các xe mô tô, ô tô, ghe tàu đang chờ sẵn để tiếp tục vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. 

Các đối tượng buôn lậu cử người “theo dõi” lực lượng chức năng trong suốt quá trình hoạt động để báo tin cho nhau. Đồng thời, thường xuyên thay đổi địa điểm, phương tiện giao nhận hàng; sử dụng các hóa đơn quay vòng và các bộ hồ sơ bán hàng phát mãi,… Đặc biệt, trong quá trình tổ chức hoạt động, các đối tượng đầu nậu tính toán rất chặt chẽ, gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu với người đai vác, vận chuyển khi bị bắt. Vì vậy, lực lượng chức năng luôn gặp phải sự chống trả từ các đối tượng đai vác, vận chuyển - Đại tá Lý Kế Tùng chia sẻ thêm. 

Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, mặc dù Bộ Luật hình sự năm 2015 đã có hiệu lực từ đầu năm 2018, tuy nhiên tình hình buôn lậu vẫn rất phức tạp. Các đối tượng luôn tìm cách để lén lút vận chuyển thuốc lá qua biên giới và đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Bên cạnh phương thức hoạt động chủ yếu bằng xe gắn máy 2 bánh chạy tốc độ cao, chia hành nhiều tốp với số lượng thường dưới 1.500 gói, thì tình trạng các xe khách từ các tỉnh khác đến khu vực biên giới tỉnh An Giang cũng lén lút cất giấu, ngụy trang để đưa thuốc lá về địa phương tiêu thụ khá nhiều. 

Mặt hàng đường cát nhập lậu (chủ yếu là đường cát Thái Lan) được đầu nậu tập kết, thay đổi bao bì (hoặc để nguyên bao bì nhãn mác Thái Lan) sử dụng phương tiện võ lãi và xuồng máy công suất lớn, tốc độ cao để vận chuyển từ biên giới Campuchia vào Việt Nam; sau đó, tập trung vào các kho chứa hoặc đưa lên xe tải, hợp thức hóa bằng chứng từ đấu giá hàng tịch thu để chuyển đến các địa phương tiêu thụ. 

Ông Trần Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Tân Châu cho biết, thị xã Tân Châu có nhiều cơ sở sản xuất và chế biến đường phèn và đây là nơi “hóa kiếp” đường cát Thái Lan nhập lậu. Tuy nhiên, khi kiểm tra, cơ quan chức năng khó phân biệt được đâu là đường ngoại nhập, đâu là đường sản xuất trong nước; cơ sở hoạt động có đăng ký, có hóa đơn chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua đường cát được bán theo hình thức hóa giá từ các tỉnh ở trong nước)… 

Phối hợp xử lý đồng bộ 

Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, phía ngoại biên tỉnh An Giang có 26 kho hàng là địa điểm tập kết hàng hóa để bán, vận chuyển vào Việt Nam. Khu vực biên giới hiện nay có 6 kho hàng chủ yếu ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú; trong đó, có một số kho có mối quan hệ với các kho ở ngoại biên. 

Theo ông Nam, hiện nay, mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát nhập lậu đang có chiều hướng gia tăng do đang vào mùa “nước nổi”. Nhiều khu vực biên giới bị ngập sâu nên việc tuần tra xử lý gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu. 

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 914 vụ (giảm 20% so cùng kỳ) mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; trong đó, thu giữ hơn 694.960 gói thuốc lá nhập lậu các lạo, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2017; số lượng đường cát Thái Lan bị thu giữ trên 161 tấn, giảm 59,3% so với cùng kỳ.

Tổng giá trị hàng hóa bắt giữ trên 28,5 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 9,9 tỷ đồng (tương đương so cùng kỳ). Lực lượng chức năng khởi tố 17 vụ, trị giá tang vật khởi tố trên 1,9 tỷ đồng, 1.205 USD và hàng hóa là ma túy, pháo nổ. 

"Thời gian tới cần có sự phối hợp kịp thời, đồng bộ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng, trên cơ sở các quy chế đã được ký kết, nhằm phát huy những thế mạnh và tranh thủ sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, qua đó nâng cao hiệu quả đấu tranh, đặc biệt trong việc phòng ngừa, xử lý nghiêm đối tượng chống người thi hành công vụ", ông Nam chia sẻ. 

Để thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 389 của tỉnh An Giang chủ động xây dựng kế hoạch, sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, phân loại các đối tượng; trong đó, tập trung vào các đối tượng thường xuyên qua lại trên biên giới. 

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã kiến nghị nâng thẩm quyền xử phạt để góp phần giảm bớt việc chuyển giao hồ sơ cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử phạt; tăng thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, quy định chi tiết việc các định thẩm quyền tịch thu tang vật vi phạm trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính. 

Đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu cần có hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, bắt giữ thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng từ 500 bao trở lên đến dưới 1.500 bao và các trường hợp tái phạm. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ người dân trong việc cung cấp những thông tin chính xác liên quan đến hoạt động buôn lâu, có như vậy mới khuyến khích được xã hội cùng tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Công Mạo  (TTXVN)
Xét xử vụ án buôn lậu gỗ trắc sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung
Xét xử vụ án buôn lậu gỗ trắc sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung

Ngày 14/8, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 4 sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại Công ty Ngọc Hưng. Liên quan đến vụ án này có 5 bị can bị truy tố về các tội danh "Buôn lậu" và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN