Đặc biệt, ở những địa bàn trọng yếu, nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đoàn kinh tế - quốc phòng, các đơn vị quân đội đã có nhiều đóng góp tích cực, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, được người dân, chính quyền địa phương ghi nhận.
Để làm rõ hơn nội dung này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trả lời phỏng vấn TTXVN về việc kết hợp chặt chẽ kinh tế - quốc phòng và quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN |
Thưa Thứ trưởng, liên quan đến vấn đề về sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất, vừa qua có thông tin Bộ Quốc phòng sẽ thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh, xin Thứ trưởng làm rõ hơn về nội dung này?
Không có chuyện Bộ Quốc phòng ra chỉ thị thanh tra toàn bộ đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh. Công tác thanh tra cần tuân thủ đúng pháp luật, có đầy đủ lý do và kế hoạch cụ thể. Bộ Quốc phòng có chỉ đạo cho tất cả các đơn vị trong toàn quân, các quân khu, các quân binh chủng kiểm tra lại việc sử dụng đất quốc phòng vào nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và các nhiệm vụ khác trên tất cả các địa bàn của toàn quốc, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng vào các hoạt động kinh tế.
Đơn vị nào có vấn đề sai phạm thì lúc đó mới tổ chức thanh tra. Nếu đơn vị nào sử dụng không đúng mục đích phải kịp thời chấn chỉnh ngay. Đơn vị nào có vấn đề, có thiếu sót, thực hiện không đúng pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội thì phải khắc phục và sửa chữa. Đây là một nhiệm vụ chỉ đạo thường xuyên của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Vừa qua Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có kết quả ban đầu về việc kiểm tra toàn bộ đất đai của các đơn vị, các quân khu, quân chủng, các đơn vị trong toàn quân ở tất cả các địa bàn. Về cơ bản, đất đai quốc phòng được quản lý theo đúng quy định của Nhà nước, sử dụng vào đúng mục đích sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, sản xuất và trong đó có một phần làm kinh tế.
Về thông tin sẽ thu hồi sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất, quan điểm của Bộ Quốc phòng như thế nào về vấn đề này, thưa Thượng tướng?Cách đây hơn 10 năm, đất sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất đã được Chính phủ cho phép sử dụng trong thời gian nhàn rỗi, chưa sử dụng ngay vào mục đích quốc phòng; với điều kiện khi có nhiệm vụ, nhu cầu quốc phòng hoặc có chỉ thị của cấp trên thì sẽ thu hồi vô điều kiện. Đây là thỏa thuận có tính nguyên tắc giữa Bộ Quốc phòng và chủ đầu tư.
Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra, mời nhiều cơ quan cùng với Bộ Quốc phòng, kể cả các Đại biểu Quốc hội, kiểm tra việc xây dựng và hoạt động của sân golf. Qua kiểm tra cho thấy, việc xây dựng và hoạt động sân golf hoàn toàn đúng luật pháp, đúng quy định.
Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tạo ra một số dư luận trái chiều trong xã hội. Do đó, ngay từ đầu năm nay, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có chỉ thị dừng toàn bộ việc xây dựng các khu dịch vụ của sân golf này, gồm nhà hàng, khách sạn, biệt thự, căn hộ cho thuê… để chờ kiểm tra, kiểm soát và quyết định của cấp trên.
Bộ Quốc phòng sẵn sàng đàm phán với chủ đầu tư thu hồi đất sân golf và giao lại cho Chính phủ khi có nhu cầu phát triển sân bay Tân Sơn Nhất. Việc làm này theo quy hoạch của Chính phủ để vừa đảm bảo lợi ích chung của Nhà nước, lợi ích của Quân đội; vừa tính đến lợi ích chính đáng, phù hợp pháp luật của chủ đầu tư.
Quân đội luôn luôn quan tâm đến nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung, của các địa phương, các ngành nói riêng. Không chỉ ở sân golf Tân Sơn Nhất mà ở tất cả các địa điểm khác, nếu khu vực đất đai nào Quân đội chưa sử dụng ngay, Quân đội sẵn sàng giao lại cho Chính phủ, cho các địa phương để tham gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội; khi có tình huống cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ xin sử dụng lại những khu vực đó.
Thưa Thứ trưởng, vậy hiện nay công tác quy hoạch, quản lý đất quốc phòng được thực hiện như thế nào? Đất quốc phòng là đất quốc gia, do đó phải thực hiện theo đúng luật pháp của đất nước, không có sự phân biệt đất quốc phòng hoặc đất không quốc phòng. Song đất quốc phòng có những đặc thù riêng, cũng như đặc thù của đất phục vụ nhiệm vụ kinh tế, đất phát triển đô thị, đất nông nghiệp...
Chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là đất quốc phòng chủ yếu sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, xây dựng các doanh trại. Chỉ có một phần đất nếu chưa sử dụng ngay vào mục đích quốc phòng thì có thể sử dụng vào mục đích kinh tế để nâng cao đời sống bộ đội, đóng góp vào xây dựng tiềm lực cho các đơn vị.
Đất quốc phòng sử dụng làm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hơn 90% đã được Quân đội giao cho các địa phương, các ngành, hoặc giao lại cho Chính phủ để giúp địa phương mở đường giao thông, làm các công trình về môi trường, các khu đô thị, giải phóng các khu vực ở các vùng bị ô nhiễm bom mìn, dioxin…
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương tạm dừng việc chuyển từ đất quốc phòng sang đất làm kinh tế; chỉ có những diện tích thực sự cần thiết, hết sức cần mới chuyển đổi. Việc chuyển sang đất làm kinh tế phải được tính toán kĩ càng, cẩn trọng, đúng luật pháp, đúng quy định, không có biệt lệ nào cho việc đất quốc phòng sử dụng làm kinh tế.
Thời gian tới, lãnh đạo Bộ Quốc phòng sẽ trực tiếp đi một số địa phương kiểm tra và chỉ đạo tại thực địa về vấn đề sử dụng đất quốc phòng đúng mục đích. Việc làm này nhằm góp phần giúp người dân hiểu đúng mục tiêu của Quân đội trong sử dụng đất quốc phòng, để người dân ủng hộ, tin tưởng hơn nữa vào Quân đội. Việc làm nào đi ngược lại lợi ích của nhân dân, làm hại đến môi trường phát triển của địa phương, Quân đội nhất định sẽ không làm.
Gần đây có ý kiến cho rằng Quân đội không nên làm kinh tế, điều này có trái với 3 nhiệm vụ được quy định của Quân đội là: chiến đấu, công tác và lao động sản xuất hay không, thưa Thượng tướng?