Chiều 11/7, tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo số bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh có sản lượng lúa và thủy sản lớn nhất vùng đồng bằng sông cửu Long là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, thủy sản phát triển theo hướng căn cơ, bền vững.* Nhiều giải pháp căn cơ cho sản xuất và tiêu thụThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Tại buổi làm việc, bên cạnh báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản 6 tháng đầu năm 2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã tập trung vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, thủy sản của vùng. Theo đó, về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, Bộ đề xuất trước mắt thực hiện tốt chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo; tăng cung cấp tín dụng cho nông dân trồng lúa để tiếp tục đầu tư cho sản xuất.
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ đạo chặt chẽ về cơ cấu giống, giảm tỷ trọng giống IR 50404 và các giống lúa chất lượng thấp khác xuống dưới 20% ngay từ vụ Thu-Đông 2013. Các địa phương và các khu vực không bị ngập lũ chuyển một phần diện tích sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn (ngô, rau, đậu,...). Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bao tiêu cho nông dân làm cánh đồng lớn.
Đối với giải pháp lâu dài, các địa phương rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ, từng vùng đất, phù hợp với thị trường, điều kiện canh tác. Cơ cấu mùa vụ phải đảm bảo an toàn trước thiên tai (xâm nhập mặn, lũ, hạn hán...). Chuyển mạnh theo hướng đa dạng hóa cây trồng, phát triển cây màu, rau, đậu, cây ăn quả có thị trường, hiệu quả hơn.
Đối với cá tra, tôm nước lợ, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh các giải pháp tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật; tăng cường xúc tiến thương mại, củng cố và phát triển thị trường truyền thống, các thị trường lớn và phát triển mở rộng các thị trường mới; ưu tiên đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tại các vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới quan trắc cảnh báo dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản...
Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đều khẳng định, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thu mua tạm trữ gạo, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch hay chính sách liên kết bốn nhà…đã và đang tạo bước tăng trưởng nhanh, nhất là nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm nông sản-thủy sản, đẩy mạnh cơ giới hóa canh tác và thu hoạch, nâng cao và đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên là hai năm gần đây giá xuất khẩu gạo giảm bình quân 10-15%; giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng lúa cũng đang chững lại; thu nhập của người trồng lúa đang giảm dần do giá bán đầu ra không tăng nhưng chi phí đầu vào như vật tư, phân bón lại tăng liên tục.
Đối với cá tra, người nuôi và doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng nhằm giảm thiểu rủi ro, thậm chí một số hộ thu hoạch xong không thả nuôi lại. Nguyên nhân là do khó khăn về thị trường tiêu thụ chính đang giảm, cộng thêm các rào cản thương mại ngày càng tăng từ các thị trường lớn. Ngoài ra còn có nguyên nhân do chính doanh nghiệp bơm nước vào sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cá tra xuất khẩu, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tự triệt tiêu nhau trên thị trường...
Bên cạnh đó, một số ý kiến nhận định, l ỗ hổng lớn nhất hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung là sự liên kết lỏng lẻo giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ và trong mối quan hệ này, người sản xuất trực tiếp luôn yếu thế nhất, từ đó làm thiệt hại đến lợi ích của người nông dân, ảnh hưởng đến nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp của đất nước. Ngoài ra, việc không có hoặc thiếu quy hoạch cũng như những hạn chế trong nội tại của nền nông nghiệp đã dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu, cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất đình đốn, xuất khẩu sụt giảm...
Từ thực trạng khó khăn, bất cập về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản ở ĐBSCL diễn ra trong nhiều năm qua, đặc biệt bộc lộ rõ trong 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy yêu cầu bên cạnh việc xử lý khó khăn trước mắt, phải tính ngay tới hệ thống các giải pháp mới, dài hạn cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng chủ lực này.
Bày tỏ tâm huyết với việc phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, lãnh đạo tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, lãnh đạo một số doanh nghiệp... đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn; tăng cường xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng nông sản chủ lực cũng như xác định rõ các nông sản ưu tiên hỗ trợ; chỉ đạo việc đăng ký hoạt động và quản lý tốt hoạt động của thương lái theo các quy định pháp luật hiện hành; hạn chế tối đa các khâu trung gian từ sản xuất đến người tiêu thụ cuối cùng, thực hiện hiệu quả các giải pháp trong thu mua nông sản, tạm trữ lúa gạo, tránh những thiệt hại không đáng có đối với người nông dân, người tiêu dùng; cùng với tập trung rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, xác định cụ thể cơ cấu cây trồng, mùa vụ trên từng vùng đất, phù hợp với thị trường, thổ nhưỡng và khí hậu; ...
Lãnh đạo các địa phương cũng đề xuất các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo thị trường; tăng cường xúc tiến thương mại, củng cố và phát triển các thị trường truyền thống, các thị trường lớn và phát triển các thị trường mới; mở rộng ưu đãi về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch vùng sản xuất nông-lâm-thủy sản tập trung gắn với xây dựng cơ sở dịch vụ sản xuất-chế biến-tiêu thụ... Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ về nguồn lực để các doanh nghiệp lớn của nhà nước kinh doanh xuất khẩu gạo tham gia xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Đồng thời kiến nghị Nhà nước tăng cường kinh phí tập huấn, hướng dẫn sản xuất cho người nông dân; xem xét miễn thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi; cơ cấu lại vốn vay cho người dân và doanh nghiệp và áp dụng cho vay tín chấp...
* Tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn