“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ưu đãi, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện và so với các khu vực khác, người dân khá dễ dàng trong việc mưu sinh. Tuy nhiên thực tế hiện nay cuộc sống của đại bộ phận bà con vẫn còn hết sức khó khăn”, bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định.
Nhà nông khó khăn
Quanh năm đầu tắt mặt tối với miếng ruộng gần 2 ha nhưng gia đình anh Hải ở huyện An Phú (An Giang) vẫn thuộc diện top nghèo của xã. Hầu như tất cả chi tiêu trong gia đình từ ma chay, cưới hỏi, học hành con cái… đều trông mong vào mỗi kỳ thu hoạch lúa. Vụ Đông xuân vừa qua, niềm vui trúng mùa chưa được bao lâu, nỗi buồn giá thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng cao đã làm anh nhiều đêm mất ngủ. “Giá chẳng những không cao mà tiêu thụ cũng khó khăn lắm em à. Nhiều hộ tuy đã có hợp đồng ký kết tiêu thụ nhưng chỉ có một diện tích rất khiêm tốn được doanh nghiệp thu mua. Nguyên nhân do họ không có kho chứa lớn để tạm trữ hoặc thụ động lò sấy lớn…”, anh Hải cho hay.
Nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức đã góp phần giảm tốc độ phát triển kinh tế của khu vực ĐBSCL. |
Tương tự, những ngày này các hộ nuôi trồng thủy sản ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng đang “mất ăn mất ngủ” do giá thu mua thủy sản tụt dốc không phanh. Khảo sát của phóng viên, hiện giá cá tra thu mua chỉ dao động từ 21.000-22.000 đồng/ kg và là mức giá thấp nhất trong vòng một năm qua. Nếu tính đúng tính đủ các khoản chi phí đầu tư người nông dân lỗ nặng và với trường hợp gia đình chị Thủy, vừa bán khoảng 150 tấn cá tra đã bị thua lỗ hơn 300 triệu đồng. Tính toán của nhà nông, giá thành nuôi hiện nay trung bình từ 24.000 - 25.000 đồng/kg và với giá trên sẽ lỗ ít nhất cũng 3.000 đồng/kg. Ngoài ra, do doanh nghiệp mua cá trả chậm, không ít người còn gánh thêm lãi suất của ngân hàng.
Ông Lê Minh Trượng -GĐ Công ty Lương thực Sông Hậu (TP Cần Thơ): Cần tổ chức lại tổ liên kết sản xuất Để công tác thu mua lúa gạo nói riêng và nông sản ở ĐBSCL nói chung đến trực tiếp với người nông dân, chính quyền các cấp cần tổ chức lại những tổ liên kết sản xuất nông thôn một cách hiệu quả, từng bước đưa việc ký kết hợp đồng tiêu thụ được nhiều hơn. Ngoài ra, nhà nước xem xét cho đơn vị xuất khẩu được vay ngoại tệ đầu tư kho chứa theo chương trình đầu tư 4 triệu tấn kho, cũng như sớm có chính sách kiềm chế tăng giá vật tư sao cho phù hợp, nâng cao công tác quy hoạch, cải tổ hệ thống trong sản xuất nông nghiệp. Cái khó lớn nhất hiện nay là đầu ra nông sản, trong khi việc nhập khẩu vẫn chưa được kiểm soát triệt để, giá cả thả nổi cho tư thương đầu cơ trục lợi… và để hạn chế vấn đề này cần phải có sự nhập cuộc quyết liệt hơn từ các ngành chức năng. Ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ: Còn tồn tại tình trạng manh mún Công tác liên kết vùng, liên kết ngành nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của các tỉnh ĐBSCL phải đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nhưng đến nay, vai trò này vẫn còn mờ nhạt chưa mang hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân do tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm, mỗi tỉnh có cơ cấu kinh tế và sản phẩm na ná nhau, phát triển độc lập không phát huy hết lợi thế so sánh qua liên kết nhằm chuyên môn hóa… Nội vùng đã rời rạc như thế, sự chủ động liên kết với những địa phương, khu vực… có tốc độ phát triển kinh tế nhanh để hình thành các trục, tuyến phát triển như mong mỏi của ngành chức năng trong việc giúp người dân ĐBSCL nâng cao cuộc sống sẽ phải phấn đấu nhiều. Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Thực thi chính sách chưa được như mong muốn Hiện nhiều chủ trương, chính sách của ngành chức năng đã giúp đại bộ phận người dân nơi đây giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. Cụ thể, chính sách khuyến nông; chủ trương hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; chính sách hỗ trợ lãi suất để giảm tổn thất sau thu hoạch; chính sách hỗ trợ cho sản xuất giống cá tra, tạm trữ thu mua lúa gạo… Tuy nhiên, kim chỉ nam đã có nhưng không ít chính sách vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo sát với tình hình thực tế tại địa phương; trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất, vay vốn ưu đãi chưa thông thoáng đã hạn chế nhu cầu tiếp cận nguồn vốn. Điều này cho thấy, quyết sách đồng bộ, có hệ thống nhất quán ở tầm vĩ mô nhưng việc thực thi chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong muốn. |
Được mệnh danh là thủ phủ trái cây của cả nước, tỉnh Tiền Giang có gần 68.000 ha cây ăn quả và là nguồn thu chính cho hàng vạn hộ dân tại đây. Như các tỉnh thành khác trong khu vực, do diện tích chuyên canh của tỉnh thấp đã dẫn đến chất lượng không đồng đều; thị trường không ổn định, điệp khúc "được mùa, mất giá" hoặc “mất mùa được giá” thường xuyên xảy ra… Chính vòng luẩn quẩn này đã làm cho nhà nông chưa yên tâm sản xuất, “hóng” chạy theo phong trào làm mất tính ổn định về sản lượng cây trái trong khu vực. Và những khó khăn trên đã làm cho đời sống của người sản xuất và kinh doanh trái cây không cao, quy mô sản xuất cây ăn trái dần bị thu hẹp làm ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của vùng.
9% hộ dân thuộc diện nghèo
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, gần 50% dân số các tỉnh ĐBSCL có thu nhập chưa tới 1 USD/ngày. Trong khi đó, chỉ tính kết thúc năm 2012, nhà nông tại đây đã sản xuất được hơn 24 triệu tấn lúa, đóng góp 90% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam; sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn cá tra, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỉ USD… “Nếu một hộ gia đình có 5 người trồng 1 ha lúa, đạt năng suất từ 10-12 tấn/năm; sau khi trừ chi phí sẽ còn khoảng 6 tấn. Nếu lấy giá lúa ở mức 5.000 đồng/kg thì một năm, mỗi người cũng chỉ được trên dưới 500.000 đồng/tháng”, ông Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL phân tích.
Kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo cả nước trong năm 2012 vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố mới đây cho thấy, hơn 9% hộ dân ĐBSCL thuộc diện nghèo và cao gần 2 lần so với khu vực đồng bằng sông Hồng. Riêng tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao hơn cả khu vực Tây Nguyên, chiếm 6,5%. Theo bà Lý, thực tế tăng trưởng kinh tế của vùng thiếu vững chắc. Tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được đầu tư, khai thác đúng tầm. Việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp chưa cao, trong khi sản xuất nông nghiệp tại đây chiếm tỷ trọng rất lớn, hơn 39%. Chính vì thế đã dẫn đến thực trạng, giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định và ngày càng có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất”.
Phát triển công nghiệp khiêm tốn
Là vùng nông nghiệp trọng điểm, quan trọng nhất của cả nước nhưng theo các chuyên gia kinh tế, công nghiệp chế biến của vùng ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và nguồn nguyên liệu của địa phương. Ngành công nghiệp chế biến của vùng chỉ loanh quanh ở xay xát lương thực, chế biến thủy hải sản… Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn do chất lượng quy hoạch và định hướng chung cho phát triển mang tính kinh tế vùng còn thấp; thiếu chiến lược chung và thiếu đồng bộ làm cho việc khai thác những nguồn lực, nhất là các nguồn lực đất đai sử dụng chưa hợp lý. “Riêng về đầu tư nước ngoài tại đây cũng có số lượng rất khiêm tốn khi chỉ bằng 4,6% tổng vốn cả nước và hầu hết tập trung ở Kiên Giang, TP Cần Thơ, Long An…”, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.
Khảo sát mới đây của ngành chức năng, ĐBSCL hiện có khoảng 20 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.645 ha nhưng mới chỉ cho thuê hơn 22%. Song song đó, các tỉnh, thành còn thành lập gần 200 cụm công nghiệp với tổng diện tích 15.457 ha và chỉ mới hơn 700 ha đất được đưa vào sử dụng… Ở góc độ khác, xuất khẩu đang tăng trưởng chậm; sản phẩm chủ yếu xuất ở dạng thô, trong đó nhiều sản phẩm làm ra giá thành còn cao, sức cạnh tranh thấp. Hệ số sử dụng công suất chế biến thủy sản đông lạnh và chế biến rau quả đạt thấp, trong khi ngược lại, công suất xay xát và chế biến gạo xuất khẩu lại không tăng tương ứng với nguồn nguyên liệu của địa phương. Ngoài ra, công nghệ lạc hậu, ít được quan tâm đã dẫn đến tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cũng như gia tăng tỷ lệ hao hụt…
Thiếu đầu tư chuyên sâu
Là người tâm huyết với nông nghiệp vùng ĐBSCL, GS Võ Tòng Xuân cho rằng ĐBSCL đã bị các ngành chức năng “lơ là” trong việc đầu tư vào thế mạnh nông nghiệp. Cụ thể, phân bổ đầu tư cho khu vực nhiều năm qua chưa tương xứng với đóng góp của vùng cho nền kinh tế khi mức đầu tư từ nhà nước cho ĐBSCL chỉ khoảng 16% ngân sách. Hiện rất nhiều dự án phục vụ cho tăng trưởng kinh tế vẫn đang trong tình trạng "án binh bất động" trải dài từ những dự án nông nghiệp, nông thôn cho đến hàng loạt cơ sở hạ tầng đường giao thông, bến cảng... dù chủ trương đã có từ hơn chục năm.
Chỉ tính mảng giáo dục, năm 2010, bình quân cả nước được nhận 3,028 triệu đồng/người/năm, trong đó, đồng bằng sông Hồng là 3,543 triệu đồng, Đông Nam Bộ là 5,508 triệu đồng và ĐBSCL chỉ có 2,006 triệu đồng/ năm. Với mức chi thấp như vậy và các nguyên nhân khách quan khác, trình độ nhân lực đã và đang là điểm yếu tồn tại dai dẳng của ĐBSCL khi vùng được xem là vùng “trũng” về đào tạo, dạy nghề, học vấn. “Theo điều tra của chúng tôi, số lượng học viên được đào tạo nghề chiếm 1% trên số lao động chưa qua đào tạo so với tỷ lệ cả nước là 3,3%. Còn tỉ lệ dân số chưa tốt nghiệp tiểu học của ĐBSCL chiếm gần 32% cao nhất so với các vùng”, ông Khương nói thêm.
Cơ sở hạ tầng bao gồm giao thông, điện… cũng là vấn đề “nhức đầu” gây nhiều khó khăn trong đầu tư phát triển của khu vực. Hiện khoảng 36% doanh nghiệp ĐBSCL có sản phẩm bị hư hại do chất lượng giao thông kém, giá điện cũng cao hơn mức trung bình cả nước… Theo ông Khương, tiềm năng và thế mạnh của ĐBSCL trong tương lai sẽ vẫn là nông nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào. Sản lượng thủy hải sản, lương thực, trái cây… nhiều, phong phú và điều cần thiết ngay lúc này là gấp rút có những mô hình hoặc cụm sản xuất hàng hóa số lượng lớn giá rẻ, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần tạo ra hiệu suất cao hơn giúp người nông dân thu lợi được nhiều hơn. Vì thế việc đầu tư cho hạ tầng, phát triển công nghiệp chế biến và những loại dịch vụ kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra giá trị thặng dư cao đang là đòi hỏi cấp thiết đối với người dân ĐBSCL.
Lê Nghĩa