Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu tại chương trình khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nỗ lực và những thành tích của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành, địa phương, đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam .
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Quan điểm nhất quán, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lãnh đạo văn hóa của Đảng, Nhà nước ta là luôn khẳng định văn hóa là bộ phận khăng khít của sự nghiệp cách mạng, gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của nhân dân.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định mục tiêu xây dựng: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Việc Chính phủ quyết định bắt đầu từ năm 2009 lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhân ái, thủy chung, khơi dậy lòng tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng…
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang từng bước lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thực sự trở thành ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân ta.
Để bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa những giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần làm cho dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn và ngày càng phát triển, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tới việc cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.
Tập trung đẩy mạnh việc gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tính đa dạng, bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em, củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, xây dựng những giá trị văn hóa mới; đồng thời chủ động mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú têm nền văn hóa dân tộc, tiến cùng sự phát triển của thời đại.
Tạo mọi điều kiện nâng cao mức thụ hưởng và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của nhân dân; phấn đấu từng bước thu hẹp chênh lệch về thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam để đồng bào các dân tộc tăng cường sự gắn bó keo sơn, gần gũi, quý trọng nhau như anh em một nhà, củng cố tình đoàn kết các dân tộc, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, ý chí và quyết tâm xây dựng Tổ quốc ta giàu đẹp, văn minh; quảng bá hình ảnh và nền văn hóa dân tộc Việt Nam với các nước bạn bè quốc tế.
Ngay sau phần khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Ngàn tinh hoa hội tụ” do các nghệ sỹ của 12 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ nhân biểu diễn. Chương trình đã giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của 54 dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam bằng các tác phẩm nghệ thuật. Qua đó, người xem có thể cảm nhận được không khí của cuộc sống, tình yêu lứa đôi, tình đoàn kết gắn bó cộng đồng và tình yêu quê hương đất nước sâu sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Chương trình được kết cấu theo mạch văn hóa của 5 vùng địa lý Việt Nam là: vùng văn hóa khu vực miền núi phía Bắc (Đông Bắc -Tây Bắc), vùng văn hóa Đồng bằng Bắc bộ, vùng văn hóa khu vực Trung bộ, vùng văn hóa Tây Nguyên, vùng văn hóa đồng bằng Nam bộ.