Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Hội nghị.
Đa số các đại biểu thống nhất với việc hợp nhất 3 văn phòng thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức văn phòng gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của văn phòng.
Theo các đại biểu, việc hợp nhất sẽ góp phần tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương, có khả năng thu hút được cán bộ giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn ở các sở, ban, ngành, địa phương về công tác tại văn phòng chung, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, việc hợp nhất 3 văn phòng không chỉ là sáp nhập cơ học mà cần phải xác định rõ tên gọi, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, cơ chế hoạt động của văn phòng chung cho phù hợp, tránh sự chồng chéo trong công tác tham mưu, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh.
Đặc biệt, các địa phương phải có sự nghiên cứu để thay đổi quy trình công việc, trong đó phân định rạch ròi chức năng tham mưu cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định các nội dung và chức năng tham mưu cho HĐND cấp tỉnh xem xét, giám sát các vấn đề đối với UBND cùng cấp.
Đây là việc không dễ, đòi hỏi sự khách quan, khoa học, độc lập trong tham mưu, đề xuất của văn phòng để tránh việc mâu thuẫn, thiếu khách quan trong quá trình hoạt động, thực thi nhiệm vụ. Do đó, có ý kiến đề nghị, văn phòng chung nên là cơ quan tương đương cấp sở tại địa phương, trực thuộc UBND, nhưng không phải là cơ quan chuyên môn của UBND.
Chánh Văn phòng chung sẽ là người điều hòa, chỉ đạo việc phối hợp các phòng, đơn vị để thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc chung, tránh chồng chéo hay đùn đẩy nhiệm vụ.
Một số ý kiến lo ngại nếu Chánh văn phòng trực tiếp là người chỉ đạo, điều hành từng lĩnh vực của công việc và chịu trách nhiệm trong toàn bộ hoạt động của mình, liệu rằng, Chánh văn phòng sẽ phải đảm nhận công việc quá lớn, mang tính sự vụ, cụ thể, dẫn đến tình trạng quá tải không?.
Một số ý kiến cho rằng, Chánh văn phòng chỉ nên giữ vai trò điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các đơn vị, phòng, ban, nắm thông tin khái quát, còn các lĩnh vực chuyên môn sâu giúp việc cho HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ do các Phó Chánh Văn phòng trực tiếp đảm nhận.
Dẫu vậy, phương án này cũng có nhược điểm là chế độ thủ trưởng không thực sự mạnh mẽ, sẽ có những việc Chánh văn phòng không nắm được vấn đề một cách sâu sát, kịp thời, nhưng lại chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của văn phòng. Như vậy sẽ xảy ra mâu thuẫn giữa quyền hạn và trách nhiệm của Chánh văn phòng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, các ý kiến đóng góp tại hội nghị đều theo đúng mục tiêu sáp nhập 3 văn phòng phải góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND.
Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp thu và ghi nhận đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu để hoàn thiện Đề án trong thời gian sớm nhất.