Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, để thực hiện thắng lợi mục tiêu gắn với các mốc kỷ niệm quan trọng của đất nước mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, đổi mới trong nghiên cứu khoa học; hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ khoa học quan trọng. Trong đó, Hội đồng Lý luận Trung ương triển khai thực hiện kịp thời, chất lượng Chương trình trọng điểm Nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định đường lối của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm phục vụ có hiệu quả cho công tác đào tạo cán bộ, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, để tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan cần tiếp tục nhận thức sâu sắc quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, không ngừng đổi mới phương pháp quản lý, hợp tác thường xuyên, chặt chẽ hơn, tập trung quyết liệt vào mục tiêu chất lượng, hiệu quả của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Báo cáo của Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư (khóa XII), sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Lý luận Trung ương đã chủ trì quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị” mã số KX.04/16-20, hoàn thành toàn diện về nội dung nghiên cứu, tiến độ thực hiện cũng như các nhiệm vụ thanh quyết toán tài chính. Đây là chương trình quy tụ được các tổ chức khoa học và các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín trong cả nước, được nhiều tổ chức khoa học và chuyên gia đánh giá cao.
Kết quả nghiên cứu của Chương trình đã kịp thời cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn góp phần tích cực có hiệu quả để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết chuyên đề; đóng góp xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011; Báo cáo tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã đóng góp trực tiếp, có hiệu quả vào xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Sau khi hoàn thành Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẩn trương chuẩn bị Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
Báo cáo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, giai đoạn 2015 - 2020 và những tháng đầu năm 2021, hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Với sự ủng hộ rất lớn của Bộ về nguồn lực cho công tác nghiên cứu lý luận chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã hoàn thành chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia KX.02/16-20 và một số chương trình khoa học trọng điểm khác.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Đề án cấp bộ trọng điểm về “Tuyển chọn, biên dịch, xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài”; “Nghiên cứu, tổ chức biên soạn bộ sách phổ thông về tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới đất nước”; triển khai Chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia KX.02 giai đoạn 2021-2025 về nghiên cứu vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới…