Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng A Bia - A Lưới

Ngày 10/5 tại A Lưới, UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức kỷ niệm 50 Ngày chiến thắng A Bia (5/1969-5/2019).

Đại diện Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, huyện A Lưới, cựu cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương, dân quân du kích huyện tham dự sự kiện.

Diễn ra cách đây đúng 50 năm, nhưng chiến thắng A Bia (A Biêyh) vẫn còn in đậm trong lòng người dân A Lưới. Đây là cuộc chiến đấu ác liệt của bộ đội ta khiến lính Mỹ xâm lược bị thương vong và tổn thất nặng nề. A Bia là điểm cao nhất (937 mét so với mặt nước biển) nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt - Lào. Đỉnh A Bia có ba mỏm đứng thế chân kiềng cao xấp xỉ nhau, cách nhau khoảng 400 mét. Tại đây, sau thất bại trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ điên cuồng mở nhiều đợt tấn công vào khắp các địa bàn Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là những cuộc càn quét vào thung lũng A Lưới. 

Địch chọn A Bia làm địa điểm tập kết quân, gồm 13 tiểu đoàn Mỹ - Ngụy kết hợp với lực lượng không quân, pháo binh, xe tăng yểm trợ hòng đẩy quân ta ra sát biên giới Việt - Lào, phá vỡ hành lang vận chuyển chiến lược 559. Trong gần 10 ngày tấn công lên đồi A Bia của Mỹ - Ngụy, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 và quân dân huyện A Lưới đã kiên cường chiến đấu, mặc dầu Sư dù 101 lính Mỹ đã sử dụng tối đa hỏa lực, vận dụng nhiều thủ đoạn tấn công lên chốt, nhưng chúng đã bị thất bại thảm hại. Ta lợi dụng địa thế hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt rừng núi, các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã chủ động tấn công đập tan cuộc hành quân của địch, tiêu diệt gần 1.600 tên, phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí chiến tranh, làm rung chuyển Lầu Năm Góc.

Ngay sau trận đồi A Bia (còn gọi là Đồi thịt băm), Mỹ bắt đầu thay đổi chiến lược. Địch không dám mở những cuộc hành quân vào sâu căn cứ miền núi của ta và có chiều hướng co về phòng thủ tuyến giữa. Mỹ, Lầu Năm Góc hạn chế tối đa vai trò của lực lượng Mỹ trong các chiến dịch, cho dù gặp sự phản đối của nhiều chỉ huy cấp cao. Chiến thắng A Bia cùng với những thắng lợi trong năm 1969 đã góp phần phá vỡ kế hoạch hành quân đánh chiếm miền núi của địch. Thế đứng chân của lực lượng vũ trang và hệ thống kho tàng, hậu cứ của ta được củng cố ngày càng mạnh; tuyến đường hành lang vận tải 559, tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam tiếp tục là sợi dây nối liền chiến lược. Đây cũng là nguồn cổ vũ cho phong trào đánh phá bình định ở nông thôn, đồng bằng của toàn quân và dân ta trong thời kỳ cam go này. 

Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu khẳng định, tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng A Bia không chỉ bó hẹp trong phạm vi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn miền Tây Trị Thiên, mà vượt ra khỏi giới hạn cả không gian và thời gian. Dẫu 50 năm đã trôi qua nhưng những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ chiến thắng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Đó là những bài học kinh nghiệm về chỉ đạo chiến dịch và chiến thuật, nghệ thuật tác chiến, hiệp đồng giữa lực luợng chủ lực với lực lượng địa phương, phát huy sức mạnh của hậu phương tại chỗ và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chiến thắng A Bia được coi là một trận chiến thắng kép. Đó là chiến thắng để lấy lại thế chủ động trên chiến trường, lấy lại lòng tin của nhân dân, đem lại quyết tâm sắt đá "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây còn là thất bại của địch ngay trong lòng nước Mỹ.

A Bia hôm nay không còn dấu tích tàn khốc của đạn bom ngày ấy, thay vào đó là ngọn đồi A Bia ngút ngàn màu xanh của rừng keo, tràm, lúa, ngô, chuối, sắn; trong đó có bàn tay của chính những người dân quân, cựu chiến binh anh dũng năm xưa vun trồng, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. A Lưới hiện đã xây dựng được nhà trưng bày hiện vật, kỷ vật chiến tranh đồi A Bia lịch sử. Trong mấy năm gần đây, di tích lịch sử cách mạng đồi A Bia đã đón hàng vạn cựu chiến binh, du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham quan du lịch...

Quốc Việt (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế cần đột phá trong phát triển đô thị
Thừa Thiên - Huế cần đột phá trong phát triển đô thị

Ngày 6/5, tại thành phố Huế, Ban Chỉ đạo 182 Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện "Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020" (Kết luận 48).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN