Đây là dự án Luật thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước bởi thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng nhiều người, nguyên nhân do chủ phương tiện giao thông vi phạm quy định, có sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này gồm 7 chương, 36 điều; trong đó có một số vấn đề lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý, như: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm.
Tại kỳ họp này, một số nội dung của dự thảo Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận như: quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; về các biện pháp quản lý rượu thủ công; về các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Quốc hội sẽ quyết định về việc thông qua dự án Luật này với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sức khỏe của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đọc Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đọc Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiếm toán Nhà nước trình xin ý kiến Quốc hội gồm 3 điều, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan liên quan; các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động Kiểm toán Nhà nước, tránh chồng chéo trong quy định về thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan chức năng. Một điểm mới đáng chú ý là điểm d, khoản 2, Điều 7 được sửa đổi, bổ sung theo hướng "Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại" nhằm bao quát toàn diện quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Dự thảo Luật Thư viện trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 có 7 Chương, 51 điều, kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi bổ sung 18 điều, quy định mới 33 điều so với Pháp lệnh.
Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này gồm: một số loại hình thư viện cụ thể; các hoạt động thư viện, Khoản 3 Điều 17 quy định việc cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện được thu phí, lệ phí và giá theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo Luật Phí và Lệ phí, Bộ luật Dân sự và pháp luật khác có liên quan; hoạt động liên thông giữa các thư viện trong nước và quốc tế. Đặc biệt là về xây dựng thư viện số và quy định thúc đẩy phát triển thư viện số; quyền và nghĩa vụ của thư viện tại Điều 23 và 24; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện tại các điều 37, 38, 39.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số từ ngữ; quy định cụ thể như thư viện được phép lưu trữ các tài liệu vi phạm hành vi bị cấm nhằm mục đích nghiên cứu; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; bổ sung quy định về thời hạn đình chỉ hoạt động thư viện, tiêu chuẩn đối với lãnh đạo thư viện, tiêu chuẩn người làm công tác thư viện tại dự thảo Luật; tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật của dự thảo Luật.
Thời gian còn lại của phiên làm việc, các đại biểu thảo luận tại tổ về hai dự án Luật này.