Đây là "đòn giáng" đầu tiên vào ông Zelenskiy, chỉ một ngày sau khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống, và trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.
Tại phiên họp bất thường ngày 22/5, do Chủ tịch Quốc hội Andriy Parubiy triệu tập theo đề nghị của tổng thống, chỉ 92 trong tổng số 450 nghị sĩ ủng hộ việc thảo luận về dự luật trên.
Khi tranh cử tổng thống, ông Zelenskiy cam kết sửa đổi hệ thống bầu cử hỗn hợp của Ukraine, nhằm giảm tình trạng tham nhũng và "mua" lá phiếu. Hiện tại, 50% ghế Quốc hội được quyết định theo tỷ lệ phiếu thông qua danh sách các chính đảng, và 50% ghế do các đơn vị bầu cử địa phương bầu chọn. Dự luật sửa đổi đề xuất sẽ xóa bỏ đơn vị bầu cử, mà theo ông Zelenskiy là dễ bị "uốn" theo lợi ích của địa phương. Theo giới chuyên gia, kế hoạch sửa đổi này cũng sẽ giúp ông Zelenskiy, bởi đảng của ông không có sự hiện diện mạnh mẽ ở địa phương như các đảng lâu đời khác. Tuy nhiên, các nghị sĩ chỉ trích sửa đổi trên, cho rằng giải pháp này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn nạn tham nhũng thay vì bài trừ.
Là một nghệ sĩ không có kinh nghiệm chính trị, ông Zelenskiy đã giành chiến thắng áp đảo và trở thành Tổng thống Ukraine với cam kết chống tham nhũng. Tuy nhiên, đảng của ông hiện không có đại diện nào trong Quốc hội và cuộc bỏ phiếu ngày 22/5 đã cho thấy khả năng của các nghị sĩ trong việc chống lại lịch trình cải cách của ông, ít nhất cho tới khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra - sự kiện mà nhóm đảng mới của ông Zelenskiy hy vọng sẽ chiến thắng.
Trong một dấu hiệu dự báo không ít khó khăn phía trước, Chủ tịch Quốc hội Parubiy cáo buộc Tổng thống Zelenskiy gây ra một cuộc khủng hoảng Hiến pháp khi giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm. Ông Parubiy cho biết các nghị sĩ sẽ kiện quyết định này ra tòa. Ngoài ra, các nghị sĩ cũng chĩa mũi dùi chỉ trích vào các bổ nhiệm của Tổng thống Zelenskiy cho các chức vụ quan trọng. Quốc hội cũng không bỏ phiếu về việc có chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Volodymyr Groysman (Vlô-đi-mia Grôi-xman) hay không. Ông này đã buộc phải xin từ chức sau khi tổng thống giải tán Quốc hội.
Các vấn đề chính trị trên nảy sinh đúng vào lúc một phái bộ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đến Ukraine để thảo luận về khoản chi 3,9 tỷ USD trong chương trình hỗ trợ cải cách.