Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Đảm bảo minh bạch trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 14/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 này. Đây cũng là dự án Luật nhận được sự quan tâm của các đại biểu, nhân dân trên cả nước với kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã nêu quan điểm của mình về các nội dung xung quanh dự án Luật.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành phiên họp sáng 14/11/2022. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Làm rõ các khái niệm để không bị lợi ích nhóm lợi dụng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải đề cập đến việc ngăn ngừa biến đất đai thành tài sản thương mại. Theo đại biểu, Quốc hội cần chế tài được hệ số sử dụng đất sau khi đất đã được giao cho các cơ quan, đơn vị. Ví dụ như địa phương đã giao cho đơn vị nào đó quỹ đất nhưng trong một thời gian nhất định, họ không triển khai các nhiệm vụ được giao đất thì phải có chế tài xử lý, thậm chí là thu hồi đất. Điều này cũng hạn chế được các vùng đất “treo”, dự án “treo”. Bởi việc sử dụng đất đai của đơn vị không hiệu quả và có thể dẫn đến lợi ích nhóm khi thương mại đất đai một cách không lành mạnh.

Ngoài ra, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng cần đề cập rõ hơn về khái niệm: “Toàn dân sở hữu về đất đai dưới sự quản lý của Nhà nước là đại diện”. Nếu không quy định rõ về vấn đề này thì sẽ bị lợi dụng dưới danh nghĩa là “toàn dân” và quyền lợi về đất đai có thể rơi vào một nhóm lợi ích nào đó.

Đề cập đến thực tế là trong thời gian qua, có nhiều vùng đất “treo”, dự án “treo” vì đơn vị được giao đất sử dụng, thực hiện các dự án chưa thống nhất được với người dân ở địa phương về giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng sát với thực tế thị trường, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có đề cập về việc bỏ khung giá đất ở trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, giá đất phải đảm bảo sát với giá thị trường, bảo vệ lợi ích của người dân sở hữu về đất đai. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn là việc xác định giá thị trường thì ai sẽ định giá. Các trường hợp đặt ra là nếu một nhóm người nào đó có tiềm lực kinh tế định ra giá đất và Nhà nước giám sát việc định giá đó hay Nhà nước có đủ khả năng khắc chế việc định giá của nhóm người đó để tự đặt ra được giá đất sát với giá thị trường một cách khách quan? Nếu không có cơ quan xác định giá đất một cách minh bạch thì có thể diễn ra cuộc chạy đua giữa các nhóm lợi ích và điều này sẽ gây tốn kém tài chính cho các nhà đầu tư.

Khi giá đất tính theo thị trường do một nhóm lợi ích nào quyết định thì cũng có thể dẫn đến việc tham gia đầu tư vào thị trường đất đai sẽ không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư bất động sản chân chính. Vì giá đất có thể cao lúc nhà đầu tư mua nhưng chắc gì đã bán được do xây dựng công trình trên một khu đất rộng cũng cần phải có thời gian.

Định giá đất liên quan đến ổn định chính trị, xã hội

Cũng đề cập về nội dung định giá đất, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng việc định giá hàng hóa theo Luật Giá hiện hành có cơ quan, công ty tư vấn để xác định giá đối với một số mặt hàng; tuy nhiên giá đất đai phải xác định theo Luật Đất đai. Hiện, các công ty tư vấn không có đủ các cơ sở dữ liệu quốc gia để nắm bắt, tổng hợp thông tin để xác định giá đất cho phù hợp.

Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, việc xác định giá đất không chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề kinh tế, lợi ích giữa Nhà nước-doanh nghiệp và người dân mà còn liên quan đến ổn định chính trị, xã hội. Nên, việc xác định tính toán giá đất phải do cơ quan chức năng có trách nhiệm tổng thể cả về chính trị, xã hội đứng ra xem xét. Việc định giá đất phải giao cho cơ quan chức năng như Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xác định và hằng năm xây dựng hệ số phù hợp. Khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được giao xem xét định giá đất thì các bộ, ngành có chức năng hướng dẫn, kiểm tra việc định giá đất theo quy định pháp luật.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nêu quan điểm về cơ quan xác định giá đất, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng: Mục 2 Chương X trong dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất theo chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Có thể nói, giá đất là nội dung phức tạp và khó nhất. Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy, từ Điều 132 đến Điều 136 chưa làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất như yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan xác định giá đất vì giá đất rất quan trọng nhưng dự thảo Luật chưa giải quyết được vấn đề này.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chưa làm rõ nội hàm của khái niệm “giá thị trường trong điều kiện bình thường”, các quy định trong dự thảo Luật chưa chặt chẽ, tường minh, tính khả thi chưa cao trong thực tiễn. Vì vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để định giá đất; trách nhiệm của các cơ quan chức năng, để ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai.

V.Đ (TTXVN)
Làm rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong Luật đất đai (sửa đổi)
Làm rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong Luật đất đai (sửa đổi)

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những nội dung được sửa đổi lần này nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN