Sửa Luật Đất đai cần khắc phục những bất cập về thu hồi đất

Ngày 14/11, tại hội trường Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi) và kỳ vọng nội dung dự thảo luật này cần được nghiên cứu thêm, tổng hợp những đánh giá tác động để tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện, nhằm khắc phục triệt để những vướng mắc hiện hữu về thu hồi đất đai; đền bù và bố trí tái định cư gắn với ổn định sinh kế cho người dân; các tiêu chí đảm bảo điều kiện sống cho người có đất bị thu hồi phải bằng hoặc tốt hơn so với thời điểm chưa thu hồi đất; cơ chế chia sẻ lợi ích giữa chủ đầu tư, người dân nhất là trong các dự án lớn về khai thác khoáng sản, thủy điện... 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Trần Văn Tuấn bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi Luật Đất đai, vì đây là nội dung rất quan trọng và đang được người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền trong cả nước trông đợi. Đại biểu kỳ vọng sẽ tháo gỡ được hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý và vận hành cơ chế chính sách liên quan đến đất đai; góp phần nâng cao giá trị nguồn lực của đất đai, tạo động lực cho phát triển đất nước.

Để hoàn chỉnh dự thảo và để trình Quốc hội tiếp tục xem xét vào kỳ họp kế tiếp, đại biểu góp ý, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lượng hóa đến mức tối đa và bổ sung thêm một nội dung trong luật, liên quan tới, khái niệm quỹ đất công ích, quỹ đất phụ cận... và làm rõ quy định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở có thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Cần phải có những tiêu chí cụ thể để đánh giá thế nào là điều kiện sống thế nào là bằng hoặc tốt hơn để việc thực thi  thuận lợi, dễ dàng và đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, đây là những vấn đề nhạy cảm, nan giải, vướng mắc, khó giải quyết. Nếu được đánh giá tác động và lượng hóa một cách chi tiết, cụ thể, rõ ràng… sẽ dễ dàng xác định được vị trí, diện tích đất thu hồi hoặc khu vực nào nằm trong vùng phụ cận để từ đó, tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất. Như vậy vừa đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi, nhưng cũng vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, tránh sự xuất hiện của những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, xấu xí mọc lên trong khu vực đô thị xinh đẹp vừa được chỉnh trang. 

Biện dẫn Báo cáo số 115 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường về thực hiện Luật Đất đai hiện hành, đại biểu Trần Văn Tuấn nhận định, qua thanh tra giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, đã phát hiện tổng vi phạm về kinh tế trên 80 nghìn tỷ đồng và liên quan tới gần 95 nghìn ha đất. Cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 39 nghìn tỷ đồng và gần 15 nghìn ha đất; đồng thời đã kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân liên quan. Kết thúc kỳ họp này, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; trong đó, có nội dung đánh giá, giai đoạn từ 2016 đến 2021 về các quy hoạch treo, dự án treo; cùng các vi phạm trong quản lý sử dụng đất kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, xử lý.

"Vậy liệu rằng, những quy định tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, có khắc phục được những hạn chế nêu trên và có kéo giảm được những sai phạm liên quan đến đất đai trong thời gian tới hay không? Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm các chế tài, đồng thời kiến nghị sửa đổi các luật liên quan để đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật, mà Luật Đất đai được xem là luật gốc, để khi luật ban hành sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra", đại biếu Trần Văn Tuấn nói.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đồng tình với ý trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, thu hồi đất đai của người dân phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội công cộng hay an ninh quốc phòng là vấn đề quan trọng. Dù pháp luật thừa nhận là đất đai là sở hữu của toàn dân nhưng được nhà nước quản lý. Nhà nước giao cho người dân quyền sử dụng, mua bán cao, đổi tặng như là quyền sở hữu nên khi thu hồi đất cần được hiểu là thu hồi quyền sở hữu thì cần phải tính toán làm sao tính đúng, tính đủ và áp dụng cơ chế giá đền bù nào đó cho phù hợp với thực tiễn của địa phương và thời giá hiện tại của thị trường. Vì thế, ngay trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần phải được quy định đầy đủ, cụ thể và thống nhất một giá thực hiện để cả nhà đầu tư, Nhà nước và người dân dễ dàng đạt tới thỏa thuận như một cách để nhanh chóng triển khai các dự án, tránh cho trường hợp khiếu kiện, khiếu nại kéo dài

Một điều quan trọng nữa, mang tính cốt lõi đó là việc xác định giá đền bù cho người dân khi thu hồi đất. Cần phải thực hiện chính sách một giá theo cơ chế thị trường khi đền bù cho dân thay vì để doanh nghiệp tự đàm phán. Mặc dù doanh nghiệp tự thỏa thuận nhiều khi sẽ có lợi cho dân và người dân được đền bù giá cao hơn so với việc áp dụng bảng giá đất. Tuy nhiên, việc không thống nhất về giá và không đảm bảo tính công bằng trong đền bù thu hồi đất đai chính là nguyên nhân khiến dự án chậm được triển khai. Do đó, bắt buộc phải phải có sự tham gia của nhà nước để thống nhất việc thỏa thuận giá, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh. 

Ngoài ra, nếu thu hồi đất phục vụ mục đích an ninh quốc phòng hay phát triển kinh tế - xã hội và công ích thì áp dụng cơ chế thu hồi chung là đúng. Song nếu thu hồi đất của dân để gia tăng quỹ đất, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, khu nhà ở, khu đô thị mới thì phải tính toán đúng giá trị chênh lệch địa tô. Nhà đầu tư phải tính rõ giá trị tăng thêm để trả cho người dân bị thu hồi đất. Có như vậy mới đạt được sự hài hòa về lợi ích của cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước. 

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân bày tỏ sự không đồng tình với việc áp dụng chính sách riêng cho nhà tài trợ đối với những dự án cần thu hồi đất mà trước đó dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển như ODA hay vốn vay các tổ chức nước ngoài.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, nếu giữ quan điểm và cách làm, cách tính toán như vậy sẽ khó thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng hòa nhập với xu hướng chung của thế giới. Chưa kể dễ phát sinh nhiều vấn đề như thất thu ngân sách, sự bất bình đẳng với những dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách và đều phải tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Ngọc Quỳnh - Diệp Anh (TTXVN)
Quốc hội thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)

Sáng 14/11, Quốc hội thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) với 472/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78%). Luật Dầu khí gồm 11 Chương 69 Điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN