Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện các bộ, ngành chức năng và địa phương có cảng hàng không.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả quan, có triển vọng đạt cao hơn mục tiêu đề ra là 6,7%, quy mô nền kinh tế ước đạt 5,55 triệu tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD, thu ngân sách đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017.
Kinh tế phát triển, thị trường vận tải hàng không tiếp tục tăng trưởng ổn định, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 104 triệu lượt hành khách, tăng 10,4% và sản lượng hàng hóa ước đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 7,7% so với năm 2017.
Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam được đầu tư hiện đại, tiên tiến. Đến thời điểm tháng 12/2018, tổng số tàu bay có 219 chiếc, có 22 cảng hàng không (trong đó có 8 cảng hàng không quốc tế).
Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt 50 triệu hành khách, tăng 14% và gần 400 nghìn tấn hàng hóa, tăng 26% so với năm 2017. Thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ và 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jestar Pacific Airlines và VASCO (Chi nhánh Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines).
Tại thị trường quốc tế, 68 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác gần 130 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng và 28 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đối với thị trường nội địa, 4 hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 53 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục - nan, liên vùng, nội vùng khắp toàn quốc.
Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế, vấn đề hội nhập quốc tế của các hoạt động chính trị, an ninh, văn hóa, xã hội ngày càng được chú trọng, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia nhiều diễn đàn kinh tế, chính trị của thế giới và khu vực.
Điều đó thể hiện vị trí, vai trò của đất nước trên trường quốc tế, nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với việc hội nhập, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, thu hút đầu tư, ổn định an ninh, chính trị và chủ quyền dân tộc.
Tại Hội nghị, sau khi Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ trình bày báo cáo, các đại biểu đã đánh giá cụ thể công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, đề xuất, kiến nghị các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong bối cảnh hiện nay.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá, hoạt động hàng không của Việt Nam tăng trưởng mạnh ở hầu hết các chỉ tiêu cơ bản: số lượng tàu bay và hoạt động bay. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia và các bộ, ngành, địa phương liên quan, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không được đảm bảo duy trì đà tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không và Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư nước ngoài; 22 năm liên tục không xảy ra tai nạn về người, được các nước trong khu vực đánh giá cao, công tác quản lý an toàn được triển khai có hệ thống; công tác triển khai thực hiện các quy trình cứu nạn có sự tiến bộ lớn thể hiện qua việc xử lý tình huống, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan...
Để đảm bảo tuyệt đối an ninh hàng không trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện báo cáo, chương trình công tác.
Các đơn vị, địa phương cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị của đất nước.
“Phải xác định rõ nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn hàng không là nhiệm vụ sống còn, là bộ phận quan trọng đặc biệt trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia. Đây là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương có liên quan chứ không phải của riêng đơn vị nào”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng... phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và địa phương để hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, cập nhật các văn bản pháp luật, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không phù hợp với quy định của quốc tế; tích cực chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trao đổi thông tin an ninh, an toàn hàng không, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong xử lý tình huống sao cho có hiệu quả cao nhất; đẩy nhanh các giải pháp áp dụng quy trình công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý an toàn...
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, khẩn trương tuyên truyền đề án xây dựng văn hoá giao thông, an ninh, an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân các khu vực quanh khu vực hàng không.
UBND các địa phương và các bộ, ngành chức năng chỉ đạo đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc; tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa cháy, nổ; quản lý chặt chẽ không để buôn bán chất nổ, chất cháy, độc hại sinh hóa học tại vùng lân cận và khu vực hàng không, sân bay.
Các bộ, ngành là thành viên Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia ủng hộ xây dựng đề án xây dựng đồn Công an hàng không; đề án xây dựng lực lượng an ninh trên không...