‘Bịt’ các lỗ hổng an ninh, an toàn hàng không

Sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không do người lạ đột nhập Cảng hàng không Vinh và nhiều vụ buôn lậu qua đường hàng không bị phát hiện, bắt giữ gần đây đã cho thấy công tác đảm bảo an toàn hàng không có nhiều “lỗ hổng” đáng lo ngại.

An toàn bay đặt lên hàng đầu

Kiểm tra an ninh trước khi vào bay. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Sau vụ việc hy hữu ngày 3/3 tại sân bay Vinh (Nghệ An) khi một đối tượng đột nhập càng hàng không lên máy bay Vietnam Airlines, nhưng không có thẻ, không có tên trong danh sách hành khách bị bắt giữ, Cục hàng không Việt Nam rà soát cho biết, nhân viên an ninh hàng không làm thủ tục, vi phạm quy định trong quy trình bay; hệ thống thiết bị kiểm soát an toàn tại sân bay Vinh hạn chế về khả năng giám sát; Cảng hàng không Vinh chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra nhân viên thực thi nhiệm vụ… Đây là những “lỗ hổng” uy hiếp nghiêm trọng tới an ninh, an toàn hàng không.

Khu vực lấy hàng lý ký gửi sau chuyến bay. Ảnh: Hùy Hùng/TTXVN

Qua tìm hiểu, khu vực sân bay là nơi phải được kiểm soát tuyệt đối, nghiêm cấm các hành vi xâm nhập trái phép. Tuy nhiên, thống kê từ đầu năm đến nay, tại các cảng hàng không để xảy nhiều vụ việc nhân viên làm thủ tục mặt đất lơi là để hành khách lọt qua các cửa kiểm soát an ninh hay nhân viên bảo vệ để chó xâm nhập khu bay, cất hạ cánh…

Sau những vụ việc trên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đang rốt ráo chỉ đạo Tổng công ty cảng hàng không khẩn trương đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng áp dụng công nghệ mới, hiện đại để siết chặt các “lỗ hổng” trên. Theo Cục hàng không Việt Nam, mục tiêu đặt ra trong năm 2018 sẽ hoàn thiện hệ thống tường rào, camera an ninh giám sát tại các cảng hàng không, nhất là tại các cảng xảy ra sự cố vừa qua; đồng thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu cảng để răn đe.

Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa được ban hành nhấn mạnh tinh thần không có vùng cấm trong phòng, chống tội phạm buôn lậu. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, lực lượng, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, công tác đảm bảo an toàn bay luôn đặt lên ưu tiên hàng đầu từ trước đến nay theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, một số vụ việc liên quan đến công tác an ninh hàng không thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục kịp thời, nhất là ý thức chấp hành các phương án đảm bảo an ninh hàng không của đội ngũ cán bộ công nhân viên. Ngay trong tháng 3/2018, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiến hành thanh tra đột xuất về an ninh hàng không tại các cảng để đánh giá toàn diện các bất cập, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục kịp thời.


Thiết nghĩ, các chuyến bay ngoài ảnh hưởng của yếu tố thời tiết bất lợi, dẫn đến phải hoãn, hủy, giãn chuyến bất khả kháng, việc đảm bảo an ninh, an toàn ngay từ mặt đất là nhiệm vụ số một của ngành Hàng không vì quyền lợi của hành khách.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu 

Hơn 30 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả phức tạp, tinh vi, chủ yếu liên quan đến ma tuý, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm được quy định trong Công ước quốc tế về cấm buôn bán thương mại đã được an ninh hàng không phát hiện trong từ đầu năm 2017 đến nay, cho thấy vấn đề nay đáng báo động.

Điển hình như vụ lực lượng an ninh soi chiếu tại sân bay Tân Sơn Nhất mới phát hiện một hành khách cố tình giấu 16 nanh sư tử châu Phi trong dép, 6 bộ lông đuôi voi châu Phi và 66 nanh ngà voi châu Phi trong hành lý ký gửi hay vụ vận chuyển sừng tê giác lên tới 102 kg đựng trong hai valy được an ninh hàng không Nội Bài phối hợp với Hải quan sân bay bắt giữ… Đáng lưu ý là số hàng hóa này hầu như không có người đi cùng trên các chuyến bay về nước. Thực tế này lại cho thấy những “lỗ hổng” về an ninh.

Để ngăn chặn tình trạng này, Cục Hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch tổng thể để kiểm soát chặt nhóm các mặt hàng cấm, các nhóm hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh hàng không, an ninh trật tự, an toàn xã hội như vũ khí, ma tuý, vật liệu nổ, tiền giả, tài liệu phản động, động vật hoang dã, rượu, thuốc chữa bệnh…

Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị phân công lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và gắn trách nhiệm của người đứng đầu từ cấp tổ, đội trở lên; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực…

Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, Vasco quán triệt nội bộ các đoàn tiếp viên không sử dụng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vận động người lao động tố giác các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Nếu phát hiện sẽ xử nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, sa thải toàn tổ bay để răn đe.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Làm rõ vụ chiếu sáng cường độ cao ảnh hưởng đến an toàn bay tại Nội Bài
Làm rõ vụ chiếu sáng cường độ cao ảnh hưởng đến an toàn bay tại Nội Bài

Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cảng vụ Hàng không Nội Bài và các lực lượng chức năng bước đầu xác minh, làm rõ trường hợp vi phạm không gian an toàn bay tại Sân bay quốc tế Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội) vào ngày 17/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN