ASEAN 2020: Hội nghị Cấp cao ASEAN –Liên hợp quốc lần thứ 11

Ngày 15/11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì, điều hành Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 11, với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Tổng Thư ký Liên hợp Quốc António Guterres đồng chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 11 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc và 20 năm Hội nghị Cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và Liên hợp quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong ba phần tư thế kỷ, Liên hợp quốc, “trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia”, đã thực sự là động lực cho nỗ lực quốc tế trong đảm bảo hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững. Các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc là nền tảng điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế ngày nay. Trong khi đó, ASEAN đã khẳng định vai trò trung tâm và không thể thiếu trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và tham gia đóng góp tích cực vào các nỗ lực toàn cầu do Liên hợp quốc khởi xướng. Thủ tướng khẳng định sau hơn 4 thập kỷ, quan hệ ASEAN-Liên hợp quốc đã trở thành hình mẫu cho hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực và nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện ASEAN-Liên hợp quốc vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay và đóng góp hiệu quả cho phục hồi và tăng trưởng bền vững của thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đánh giá cao việc Việt Nam điều phối và dẫn dắt thành công các nỗ lực của ASEAN, hợp tác với các Đối tác, ứng phó hiệu quả với COVID-19. Liên hợp quốc khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, giảm thiểu các tác động của COVID-19 với đời sống kinh tế, xã hội, qua đó triển khai thành công Khung phục hồi tổng thể, bao trùm, tự cường và bền vững.

Liên hợp quốc đánh giá cao những đóng góp của Indonesia và Việt Nam, đại diện của ASEAN trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ghi nhận những đóng góp quan trọng của ASEAN vào các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế của Liên hợp quốc, trong đó có đóng góp gần 5000 nhân sự từ các nước thành viên ASEAN tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Các nước ASEAN đề nghị Liên hợp quốc hỗ trợ triển khai các sáng kiến ứng phó với COVID-19, nâng cao năng lực y tế dự phòng cho khu vực, nhất là vùng sâu, vùng xa và kém phát triển. ASEAN đánh giá cao Liên hợp quốc cam kết chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng và triển khai Khung phục hồi tổng thể, hoan nghênh sự trợ giúp đỡ tích cực của Liên hợp quốc triển khai các nỗ lực phục hồi, bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại- đầu tư và duy trì liên kết khu vực. ASEAN hoan nghênh Liên hợp quốc phát huy vai trò quan trọng trong đảm bảo vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 trở thành hàng hóa công cộng, được cung ứng đồng đều.

Để triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn tiếp theo 2021-2025, hai bên nhấn mạnh cần tiếp tục dành quan tâm và nguồn lực nhiều hơn cho phối hợp liên ngành, thúc đẩy quyền năng, vai trò của phụ nữ đối với hòa bình, an ninh, nâng tầm hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng trưởng đồng đều và bao trùm, phát triển nguồn nhân lực bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Lộ trình Tương hỗ thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình Nghị sự Liên hợp quốc về Phát triển bền vững 2030, đóng góp thiết thực cho phát triển bền vững, không bỏ ai ở lại phía sau, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh và đối phó với các thách thức đang nổi lên. Hai bên khẳng định cam kết tiếp tục đóng góp ủng hộ nỗ lực củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế minh bạch, hoạt động dựa trên luật lệ.

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các bên tái khẳng định tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm quốc gia trong xây dựng hòa bình, duy trì ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục là nguy cơ lớn, đe dọa trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội các nước. Hai bên khẳng định chia sẻ tầm nhìn và cam kết vì những mục tiêu chung là đề cao luật pháp quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và xây dựng trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn, sẵn sàng thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, thực hiện ngoại giao phòng ngừa trong khu vực, trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Trên cơ sở đó, Các nhà lãnh đạo kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ASEAN luôn là đối tác quan trọng và tin cậy của Liên hợp quốc trong bảo đảm hoà bình và an ninh quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức hiện nay, ASEAN và Liên hợp quốc cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ thúc đẩy các giá trị hướng tới hoà bình, tăng cường đối thoại và hợp tác, định hình một trật tự khu vực và toàn cầu hoạt động dựa trên luật lệ, xây dựng các chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu với Liên hợp quốc các nỗ lực của ASEAN trong xây dựng Cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng; đồng thời khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời và chủ động ứng phó trước các thách thức xuyên quốc gia đang đe dọa ổn định và phát triển toàn cầu, trong đó có bùng phát dịch bệnh COVID-19.

Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm của Việt Nam phù hợp với lập trường nguyên tắc của ASEAN đã được khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 6/2020, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 tháng 9/2020 cũng như tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 lần này, nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác.

Thay mặt ASEAN, Thủ tướng nêu rõ cần tránh các hành động gia tăng căng thẳng, không quân sự hoá, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và tiếp tục các nỗ lực đạt COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký Liên hợp quốc ghi nhận việc hai bên thông qua Kế hoạch hành động ASEAN-Liên hợp quốc giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Chủ tịch Hội nghị sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch phản ánh các kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN – Liên hợp quốc lần thứ 11.

TTXVN/Báo Tin tức
Thái Lan đề xuất LHQ hỗ trợ ASEAN thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững
Thái Lan đề xuất LHQ hỗ trợ ASEAN thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 15/11, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đề xuất 3 lĩnh vực mà Liên hợp quốc (LHQ) có thể hỗ trợ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN