Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã lan đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, thổi bùng lên những thách thức vốn tiềm ẩn trong môi trường chính trị, kinh tế, xã hội, làm suy giảm sự lưu chuyển của các luồng thương mại và đầu tư trên toàn cầu, khu vực bao gồm các nước tham gia đàm phán RCEP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cùng nhau kiên cường vượt qua khó khăn, từ đầu năm đến nay chúng ta đã chứng kiến sự nỗ lực của các bên nhằm giải quyết các vấn đề đàm phán tồn đọng. Sau 8 năm làm việc đầy khó khăn, kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP để có thể ký kết hiệp định nhân Hội nghị ASEAN lần thứ 37.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực to lớn không chỉ từ COVID-19 mà còn từ sự suy giảm của thương mại quốc tế. Việc kết thúc đàm phán RCEP - một hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, đóng góp vào tạo lập cấu trúc thương mại mới khu vực, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững và phát triển chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do COVID-19 cũng như sự hỗ trợ quá trình hồi phục sau đại dịch.
Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), là hiệp định thương mại giữa 10 thành viên ASEAN và 6 đối tác của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Sau cuộc đàm phán vào ngày 4/11/2019, Ấn Độ đã rút khỏi hiệp định, do còn nhiều điểm chưa được giải quyết.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực nhằm mục đích thiết lập các quy tắc chung về thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ. Khi được thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho tất cả các nước thành viên.
Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia).