Theo phóng viên TTXVN tại Đức, báo Handelsblatt (Thương mại) của Đức ngày 14/11 đưa tin khi bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 ở Hà Nội, một thỏa thuận khả thi của hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới dự kiến được ký kết. RCEP gồm 15 nền kinh tế (trong đó có 10 nước ASEAN cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand) với tổng dân số 2,2 tỷ người, chiếm gần 1/3 tổng sản phẩm (GDP) thế giới. Hiệp định sau 8 năm đàm phán này sẽ giúp cắt giảm hàng rào thuế quan, thiết lập các quy tắc thương mại chung và do đó cũng tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng. Bài báo dẫn lời các chuyên gia nhận định hiệp định có tầm quan trọng to lớn đối với việc hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, báo FAZ (Toàn cảnh Frankfurt) đánh giá việc đạt được thống nhất về giảm thuế và các quy định liên quan tới khoảng 20 lĩnh vực là một thành công với các quốc gia tham gia RCEP, vốn đang cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực. Bài viết dẫn lời nhà kinh tế Radhika Rao thuộc Ngân hàng DBS tại Singapore nhận định rằng hiệp định mang lại cho khu vực cơ hội biến "công xưởng của thế giới" thành "thị trường của thế giới". Theo Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, ông Airlangga Hartarto, sau khi được ký kết dự kiến ngày 15/11, chính phủ các nước thành viên sẽ có 2 năm để phê chuẩn hiệp định này.
Cũng về RCEP, báo DW (Làn sóng Đức) và SZ (Nam Đức) đánh giá khu vực thương mại lớn nhất thế giới đang hình thành ở châu Á mà không có châu Âu và Mỹ. Việc hiệp định được ký kết sẽ là tín hiệu khởi đầu cho một hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. Theo DW, khu vực các nước tham gia RCEP đang ngày càng trở thành một thị trường tự cung tự cấp. Một cuộc khảo sát của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho thấy khối lượng thương mại giữa Đông Nam Á và Trung Quốc dự kiến sẽ tăng hơn 40 tỷ USD vào năm 2023. Trái lại, BCG dự báo dòng hàng hóa giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu sẽ sụt giảm đáng kể trong 3 năm tới, trong đó mỗi bên sẽ giảm khoảng 20 tỷ USD.